bao giờ cũng vẫn là biệt thự mùa hè, dinh cơ ở nông thôn. Rồi Chốn ẩn dật,
Miền trù phú, và ngay cả túp lều bằng cây dựng ở chiến lũy chắn đường
độc đạo đều giống như những trang trại yên tĩnh tại miền núi Thụy Sĩ: mỗi
khi người du khách lỡ đường ghé qua đều được đón tiếp một cách chân
thành nhất và nồng nhiệt nhất.
Bà Ê-li-da-bét rất sung sướng khi nghe lời so sánh ấy. Bà quay nhìn
rặng núi chót vót ở tít nơi chân trời phía đồng cỏ.
- Bố nó thấy không kìa? – Vợ tôi nói với tôi – Dãy An-pơ (Một dãy
núi cao giữa Pháp và Thụy Sĩ, chạy dài xuống cả biên giới Ý) đỉnh tuyết
phủ trắng xóa! Những cây cao lớn kia, ngọn chấm mây, chẳng là những cây
thông ở Rừng Đền (Rừng trên núi ở biên giới Thụy Sĩ – Đức – Pháp) đó
sao? Và, ngay sau Trại chăn nuôi, hồ Công-xtăng (Hồ lớn nổi tiếng ở Thụy
Sĩ) nằm im lìm, nước trong và phẳng lặng!
Tôi cũng chia sẻ với vợ tôi những ảo ảnh rất xúc động ấy, đúng là lòng
luyến nhớ quê hương bao giờ cũng ít phai nhạt hơn hết!
Vùng bao quanh nhà ở, cảnh trí vừa phong phú vừa đẹp mắt. Cây cỏ
trồng ở đây mọc tốt trông thấy. Từ động đến bờ biển, một đám cây lớn nhỏ,
trồng một cách lộn xộn mà đáng yêu, đem lại cho vạt đất ấy một nét thanh
nhã của một vườn cảnh kiểu Anh. Đảo cá mập, nằm ngoài biển, cũng
không còn là một dải đất cát cằn cỗi nữa,: bên trên là những chùm lá dừa, lá
thông và nhiều cây khác cao vút; bên dưới, những bụi thanh trà chen trong
đám lau sậy bên bờ, giữ gìn đất khỏi bị sóng cuốn đi.
Khắp nơi vang lừng tiếng chim biển và chim đồng nước. Thiên nga
đen bơi bên cạnh ngỗng nhà; hàng đàn vịt màu sắc tươi sáng nhào lộn bì
bõm. Thỉnh thoảng từ bụi lau lại vụt ra một con sếu trắng hoặc một con
hồng hạc.