mỡ, thuộc da, đổ nến. Xưởng chế biến các thứ đó thì dựng dưới một mỏm
đá nhô ra khá rộng, che được mưa nắng.
Chúng tôi cũng lo tới tất cả những dinh cơ ở xa thường gọi là miền
khai hoang. Trong mười năm, những cánh đồng trồng bông và trồng mía
được mở rộng không ngừng và trở thành nguồn lợi lớn của Miền trù phú và
Chốn ẩn dật. Cánh đồng lầy bên Chốn ẩn dật đã dần dần biến thành ruộng
lúa hai mùa.
Thỉnh thoảng, chúng tôi tổ chức một cuộc thăm dò tới tận con đường
hẻm qua đồng cỏ để xem có con voi hoặc loài dã thú nào lọt vào khu vực
của chúng tôi, hoặc sa vào bẫy đặt chung quanh đó không. Những hôm ấy
thì Phrê-đê-rích dạo chiếc cai-ắc ngược dòng sông lớn và đưa về nào là ca-
cao, chuối, củ sâm. Còn chúng tôi thì chở về đầy xe bò những loại cầm thú
săn bắt được hoặc hoa màu, thóc lúa, đất sét trắng.
Nhiều sự thay đổi cũng xảy đến trong các gia súc: gia đình Tuyêc –
Bi-ly hằng năm đều tăng thêm số con. Con trâu cái và con bò cái mỗi năm
lại đẻ thêm nghé và bê, nhưng chúng tôi chỉ giữ lại nuôi thêm một con đực
và một con cái. Chúng cũng được nuôi dạy để cưỡi, kéo xe, kéo cây, thồ
như bố mẹ chúng: con cái mang tên Lông hung vì nó có sắc lông như vậy,
con đực mang tên là Tiếng sấm vì tiếng kêu của nó vang âm như sấm. Hai
con lừa nhỏ cũng ra đời trong thời gian này: Mũi tên là con đực, Lẹ làng là
con cái, đều là những tay phi nhanh, đúng với truyền thống giống lừa rừng.
Đàn lợn thì vẫn ương bướng và lang thang. Con lợn cái đưa từ tàu vào
đã chết từ lâu, nhưng dòng giống nó vẫn thừa hưởng cái của bà cụ kỵ ấy
tính cứng đầu và hoang dã rất khó sửa chữa, cho nên chúng tôi cũng mặc
cho chúng chạy rông. Tất cả các gia súc, gia cầm khác cũng đều sinh sôi
nảy nở với một nhịp nhanh như thế. Thường xuyên chúng tôi vẫn giết thịt
ăn và thỉnh thoảng lại bắt buộc phải thả bớt một số thừa cho chúng sống
một cách hoang dã.