Ngày mười ba tháng Năm, An Thuận vương về kinh phục mệnh. Theo
tiếng vó ngựa xa dần cùng đám bụi mù cuộn lên sau xe rồi tan đi trong gió,
cuộc biến loạn Cửu Ấp được ghi lại trong sách sử hậu thế tạm thời hạ màn.
Dưới gốc cây bên đường, một bóng người nấp sau thân cây nhìn theo
đại quân dần dần khuất bóng đằng xa, đoạn quay lại bảo mấy thiếu niên
nam nữ mặc áo xanh đeo bội kiếm đứng sau mình, "Các ngươi về Nam Hải
trước đi, việc trong môn phái tạm thời do Tuyết Quán xử lý, ta còn có chút
việc, phải tới kinh thành một chuyến."
Mấy nam nữ đệ tử kia khom lưng nhận mệnh, Lục La phu nhân bèn
nhảy lên lưng ngựa, đi vòng đường nhỏ, chạy tới kinh thành.
Bình Bắc vương Chu Lệ cùng binh mã đã rời Cửu Ấp trước An Thuận
vương. Lần này lão muốn nuốt trọn Tây quận, nhưng lại bị An Thuận
vương chọc gậy bánh xe, thành ra tính toán công cốc. Tây quận chỉ còn cái
danh hão, vậy mà lão cũng chẳng vớt được miếng nào, lòng không khỏi
căm phẫn, sau khi về phủ bèn chửi bới tơi bời suốt mấy ngày, lôi hết tổ tông
mười tám đời của An Thuận vương ra thóa mạ.
Có kẻ phụ tá khuyên rằng, "Dù vương gia có giận, cũng phải nhẫn nhịn
thôi, hiện giờ hoàng thượng long thể suy nhược, thái tử có thể đăng cơ bất
cứ lúc nào, thiên hạ đã thuộc về họ Mộ rồi, Tây quận mất, nhi tử của Định
Nam vương lại tham gia vào việc mưu phản, chắc hẳn lão không thoát khỏi
liên lụy, trong chư vương, chỉ còn mình vương gia vẫn vững vàng. Nghe nói
triều đình đang âm thầm nghị luận việc bãi bỏ các phiên vương sau khi thái
tử lên ngôi. Vương gia nhất định phải cẩn thận lời ăn tiếng nói, đừng để An
Thuận vương bắt thóp."
Chu Lệ bừng bừng lửa giận, lão vốn là con bạc giữa chợ, ăn nói chẳng
kiêng kỵ gì, lập tức vỗ bàn chửi toáng lên, "Mẹ kiếp, họ Mộ nhà nó xuất
thân nô lệ, còn không bằng cả lão tử. Chẳng qua năm xưa có mấy đời làm