Có điều Lạc Việt đoán, Lý tướng quân và Văn Tễ thật, e rằng đã lành ít
dữ nhiều. Tra hỏi mãi không được, Cao thống lĩnh thét lên bi phẫn, "Triệu
Viêm, ngươi tự vấn lương tâm lại xem, năm xưa là ai cứu ngươi khỏi tay
lưu manh, đưa vào vương phủ? Là ai dạy ngươi căn cơ võ công? Là ai tiến
cử ngươi vào Lan Hoa hội? Bao năm nay, Lý huynh coi ngươi như con ruột,
tên súc sinh ngươi đúng là biết báo ơn mà!"
Triệu Viêm ngước lên trừng trừng nhìn Cao thống lĩnh, cười nhạt, "Phì!
Kẻ phản bội lại vương phủ như ngươi còn dám nói đến hai chữ báo ơn à! Ta
chỉ biết chủ nhân của ta là quận chúa, nếu không có quận chúa thì không có
Triệu Viêm ta ngày hôm nay." Ánh mắt oán độc của gã quét qua khắp lượt
mọi người, sau cùng dừng lại ở Lạc Việt, "Đám ô hợp các người, còn vọng
tưởng đương đầu với đại quân An Thuận vương ư? Ha ha! Dù không có ta,
các ngươi nhất định cũng thua tan tác. Bất cứ kẻ nào chống lại quận chúa,
đều không được chết yên lành đâu."
Đỗ Như Uyên nói, "Tương lai chúng ta ra sao, không cần các hạ bận
tâm, có điều hẳn các hạ cũng đã lường trước được kết cục của mình rồi." Gã
cúi xuống dịu giọng, "Nhưng nếu các hạ cho ta biết nơi chôn giấu xương
cốt của Văn Tễ và Lý tướng quân, ta có thể tạm giữ lại mạng cho ngươi,
không chừng ngươi còn cơ hội chứng kiến An Thuận vương phá thành,
chúng ta binh bại thân vong, thế nào?"
Cao thống lĩnh dẫn người tới đào được thi thể Lý tướng quân chôn dưới
hòn giả sơn trong hậu hoa viên Tây quận vương phủ, đầu lâu Lý tướng quân
còn chưa rữa nát, hai mắt trợn trừng, gương mặt đầy vẻ kinh ngạc và bất an.
Thi thể Văn Tễ lại bị giấu trong một hốc kín tại hầm băng của Tây quận
vương phủ, nên vẫn còn toàn vẹn, chưa hề thương tổn. Sở Linh quận chúa
giữ lại thi thể Văn Tễ, hẳn vì muốn lợi dụng thân phận Văn thiếu gia lần
nữa. Nam Cung phu nhân nói với Lạc Việt, "Xin Lạc thiếu hiệp tạm thời
bảo quản thi thể Văn thiếu gia tại đây, nếu Cửu Ấp thành được giải vây, sẽ
báo cho người nhà họ Văn tới nhận xác."