Tôi đã mua nhiều cổ phiếu rẻ trong nhiều năm qua, nhưng có nhiều lúc tôi
cũng bất ngờ vì mình lại trả giá cao để mua những công ty tôi đánh giá là chất
lượng cao. Khiếm khuyết này chính là trung tâm điểm của sai lầm mua Smart
Balance. Bài học chính yếu cho tôi trong trường hợp này là về lâu về dài, tôi sẽ
tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu tôi thành công trong việc chống lại cái xu hướng
hay mua hớ này. Động thái này cũng giúp cứu vãn được rất nhiều nơ ron thần
kinh của tôi. Rốt cuộc, nếu tôi trả giá đắt để mua, tốt hơn hết là tôi phải hiểu rõ
mọi thứ về công ty vì khi ấy chẳng còn biên an toàn nữa. Nếu tôi đầu tư khi công
ty đang bị định giá thấp, tôi có thể tính toán sai cả đống thứ mà vẫn có lợi nhuận
ngon lành.
Sự tự ý thức này cực kỳ hệ trọng vì bạn chỉ có thể thiết kế nên một bảng
kiểm để xử lý các điểm yếu của mình nếu bạn biết rõ những điểm yếu ấy là gì.
Một trường hợp tương tự, tôi cũng mua hớ cổ phiếu Discover Financial Services
(DFS), một công ty thẻ tín dụng tách ra từ Morgan Stanley năm 2007. Nhìn lại,
tôi có thể thấy một lý do cá nhân khiến tôi lại bị thu hút vào DFS chính là nó quá
khó phân tích: đó là một công ty lợi nhuận cực cao, nhưng mô hình kinh doanh
của nó vô cùng phức tạp đến nỗi hầu như là không thể biết liệu con hào kinh tế
của nó đang nở ra hay co lại. Tiếng nói bên trong của tôi phát biểu thế này: “Mọi
nhà đầu tư khác nghĩ nó đắt. Nhưng họ chỉ là không đủ thông minh để chấp nhận
những điểm tinh tế làm nên một thương vụ tuyệt vời thế này. Trái với họ, tôi
không sợ mua giá cao vì tôi thông minh hơn và tôi có thể hiểu rõ những điều rất
tinh tế mà họ đang bỏ lỡ”.
Nhưng người như tôi - quá tự hào về sự khôn ngoan và học thức của bản
thân - đặc biệt dễ mắc chứng tự cho mình tài ba hơn người khác. Những người
như tôi dễ lao vào phân tích những công ty, như DFS, vốn nên được xếp vào
thùng hồ sơ mà Buffett dán nhãn là “Quá Khó”. Bất hạnh thay, tôi không đủ tỉnh
táo để nhận thức những xu hướng nguy hiểm này vào thời điểm ấy. Thế là tôi
mua DFS ở khoảng giá 26 đô la mỗi cổ phiếu vào tháng Một năm 2006 bất chấp
tính phức tạp trong phân tích cổ phiếu này. Tôi nhanh chóng hối hận về quyết
định của mình.
Ở cao điểm của cuộc khủng hoảng tín dụng, cổ phiếu này rớt xuống dưới 5
đô la mỗi cổ, và tôi không dám đoán chắc rằng nó có sống sót qua nổi hay không.
Tôi không muốn lỗi chồng thêm lỗi, vừa trả giá cao vừa gặt lúa non. Thế là tôi
cầm. Cổ phiếu nảy lên mạnh mẽ trước khi tôi quyết định bán nó đi vào tháng