ĐẾN NAY ĐÃ NHIỀU NĂM TRÔI QUA, TÔI ĐÃ VÀ ĐANG TIẾN GẦN hơn
vào quỹ đạo của Warren Buffett. Vào cuối những năm 1990, khi cổ phiếu công
nghệ làm mưa làm gió, Berkshire Hathaway có phần chững lại, và có rất nhiều lời
đàm tiếu về việc ông đã hết “mát tay”. Những tay hay nghi ngờ thì tự hỏi vì sao
ông lại dính mãi vào trường phái đầu tư tưởng chừng như đã hết thời, đầu tư vào
trong những doanh nghiệp trông chẳng hấp dẫn - nhưng lợi nhuận cao - trong khi
đám đông đang kiếm khẳm nhờ vào các cổ phiếu công nghệ vô cùng hấp dẫn
đang được mua bán với giá cao gấp nhiều lần doanh thu của chúng.
Giữa sự điên cuồng của mọi người, “cổ phiếu lỗi mốt” (unfashionable)
Berkshire rớt giá thảm hại đến mức giá tôi nhận định là rẻ đến vô lý. Thế là tôi
tích cực thu gom, đầu tư hơn 20% quỹ của tôi vào Berkshire. Từ đó đến nay, cổ
phiếu này đã tăng giá hơn bốn lần trong khi rất nhiều trong số những cổ phiếu
công nghệ một thời béo bở nay chỉ còn tồn tại trong sử sách. Berkshire vẫn là
một khoản đầu tư lớn của tôi, đóng vai trò một mỏ neo quan trọng trong quỹ của
tôi, và vẫn có khả năng đem lại lợi nhuận cho nhiều năm tới nữa.
Trong lúc ấy, tôi vẫn cố gắng không ngừng để mô phỏng cách nghĩ và cách
đầu tư của Buffett. Tôi kiên trì đọc về ông, nghiên cứu các cổ phiếu ông mua, và
cố gắng hết mình để sao chép những gì đã làm ông trở nên vĩ đại. Tính đến thời
điểm bữa ăn trưa diễn ra, tôi đã viếng thăm Omaha hàng tá lần để tham dự các
cuộc họp thường niên của ông.
Vào những năm đầu đến Omaha, tôi vẫn còn mắc kẹt trong vòng xoáy New
York, nên tôi thường ở tại khách sạn Omaha Marriott với những người trong giới
tài chính đến từ New York. Dần dần, điều này thay đổi. Thay vì đánh bạn với
đám đông New York, tôi bắt đầu lưu trú tại khách sạn DoubleTree (một khách sạn
bình thường ở Mỹ - Chú thích của người dịch), nhập hội cùng những thành viên
của một câu lạc bộ hâm mộ Buffett tên là Yellow BRKer. Website của họ cảnh
báo rằng: “Cuộc họp của Yellow BRKer là cuộc họp không trang trọng và không
chính thức của các cổ đông Berkshire. Cuộc họp này không mong đợi trở thành
diễn đàn để quảng bá bất kỳ sản phẩm (hay) dịch vụ nào”.
Những người trong nhóm này ăn mặc không có vẻ gì là thành công, và họ
cũng chẳng mảy may dự định bán buôn gì tại cuộc họp Berkshire. Họ ở đó để
học, để ăn mừng tình bằng hữu, và để hấp thụ tinh túy từ suối nguồn trí tuệ. Hầu
hết là những nhà đầu tư nghiệp dư tự đầu tư tiền của bản thân vào Berkshire.
Nhiều trường hợp đã nắm giữ cổ phiếu này nhiều thập niên. Họ có một nguồn