Bộ tham mưu nầy gồm đa số là người Trung Hoa, người Việt chỉ leo heo ba
mạng, nhưng đầu não là một người da trắng, ông Carabelli, người Ý có
Pháp tịch.
Người Ý chuyên môn khai thác khách sạn, tửu quán trà đình, hộp đêm vì
họ lắm mưu lược vắt máu khách hàng và ép xác các em út.
Bộ tham mưu không phải là nhơn viên ăn lương tháng, mà là một ban cố
vấn không công, tuy không công nhưng được hưởng nhiều lợi lộc trong xí
nghiệp, trong trường hợp cơ sở làm ăn là một hộp đêm thì họ có quyền ăn
chơi thả cửa với bất kỳ bao nhiêu bè bạn của họ mà không phải trả một
đồng xu nào cả. Như vậy, mỗi tháng họ có thể tiêu xài bạc muôn ở đây chớ
không ít, mà vẫn khỏi phải mở bóp phơi lần nào hết.
Điểm chính trong chương trình nghị sự không phải việc chạy chọt cho vũ
trường khỏi bị đóng cửa, mà là vấn đề "cô Liên".
Ông Hứa Hui Tchai đặt câu hỏi rõ rệt là có nên cho cô Liên nghỉ việc hay
không? Sở dĩ có câu hỏi nầy, vào một buổi họp quan trọng là vì ông ngại
người đẹp gieo tiếng không hay cho vũ trường, mặt khác người đẹp là một
người được ông Sang, trong bộ tham mưu tiến dẫn và bảo vệ.
Cô Liên trước kia là nhơn tình của ông Sang nầy, ông ta bỏ rơi cô, nhưng
thương tình tìm việc cho cô để an ủi cô.
Trừ hai người, tất cả đều đồng thanh đề nghị cho cô Liên nghỉ việc.
Ông Sang không dám có ý kiến, vì ông sợ mang tiếng vị thân.
Nhưng ông Carabelli, nói tiếng Việt rất sành, lại cười ha hả mà rằng: