Hiệu trương cười khổ sở: "Cô ngồi vào ghế tôi xem. Sở đặt ra chỉ tiêu rồi,
làm sao không thực hiện được. Nước mình nó thế, ngành nào, đơn vị nào
chả chạy theo thành tích để đạt tiêu chuẩn thi đua? Biết làm thế nào?"
Chưa hết năm học, Tần đã thấy ân hận về quyết định của mình. Cũng còn
tại Kiên, cứ động viên, nên chị mới gắng gỏi làm tiếp. Với lại, vừa mới
nhận, lại xin thôi thì trẻ con quá. Cho đến vụ bị Phương, giáo viên sinh vật
xúc phạm mà chi bộ xử hoà cả làng thì Tần quyết định rũ áo đứng dậy.
Điều chị cảm thấy mất mát lớn nhất là sợi dây nối mình với học sinh bị
ngăn cách bởi các mối quan hệ khác. Dù chúng vẫn đứng xếp hàng ngay
ngắn trước mặt, để sau giờ chào cờ đầu tuần, chị vẫn khen hoặc chê, mà
chê nhiều hơn. Nhưng một bức tường đã dựng lên giữa chị và chúng. Chị
không còn biết chúng nghĩ gì, chúng muốn gì.
Có lần tổ chức thi chọn học sinh thanh lịch. Ngồi ghế trưởng ban tổ chức,
trong buổi chung kết chị nêu câu hỏi: "Nếu làm hiệu trưởng, việc đầu tiên
của em là gì?" Cô lớp trưởng lớp 11b, học giỏi, có gương mặt xinh lắm, trả
lời không chút đắn đo: "Thưa cô, lập tức em bỏ ngay việc bắt học sinh phải
xếp hàng đầu giờ lên lớp". Tần sửng sốt. Làm sao hiểu được học sinh khó
chịu thế nào lúc xếp hàng. Chả để làm gì. Rồi lại rồng rắn kéo nhau vào
lớp. Chị hỏi vì sao, thì cô gái trả lời thật bất ngờ: "Các thầy coi tụi em như
trẻ con mẫu giáo ấy".
Bây giờ chị đã trút được cái gánh nặng khó chịu ấy. Lại hăm hở như một
giáo sinh mới ra trường.
Vừa dựng chiếc xe Honđa 90, đời 82, chị đã nghe cô giáo dạy văn mách:
giờ giáo dục thể chất, thầy nghỉ, lớp chị phải xuống sân chơi, để khỏi làm