Sơn Tùng
Lửa Hòa Bình
Chương 2
- Còn thằng Tony? Con Tư nó lấy một thằng Mỹ đen à?
Ông giáo Phan Văn Thế hỏi nhỏ bà vợ, hai bàn tay xoay xoay chiếc bút chì,
mắt nhìn ra ngoài của sổ, nơi ba đứa cháu ngoại tạp chủng của ông đang
chơi trên sân trong ánh nắng ấm của một buổi sáng yên tĩnh...
Bà Hai Thế ngồi trên chiếc ghế bên cạnh bàn làm việc của chồng, lưng dựa
vào vách tường, mắt nhìn xuống tờ báo đang cầm trên tay, trả lời:
- Con Tư không lấy thằng Mỹ đen nào cả. Thằng Tony là con nuôi của nó
và nó thương thằng nhỏ không khác gì con nó đẻ ra. - Giọng bà run lên
trong cơn xúc động - Lúc trước tôi giận con Tư bao nhiêu, bây giờ thấy
thương nó bấy nhiêu. Tội nghiệp, số nó long đong. Nó là một đứa con có
lòng nhưng đa truân... Hồng nhan đa truân như người xưa đã nói...
Bà khẽ xoay người nhìn ra sân. Ba đứa trẻ đang chơi "chi chi chành chành"
một cách hồn nhiên, như mọi đứa trẻ Việt Nam khác, như trên một đất nước
Việt Nam không hề có chiến tranh, như không vừa trải qua một cuộc chạy
loạn kinh hoàng, và nhất là, như chúng không có màu da khác nhau.
Nhìn ba đứa trẻ, ông giáo Thế cũng cảm thấy lòng xao động. Lập trường
của ông đối với cô con gái "nổi loạn" cũng đã thay đổi từ hôm Nhàn trở về.
Ông không hề nhắc đến những chuyện trong quá khứ, chỉ ân cần hỏi con
gái về những gian nan, nguy hiểm trên đường di tản, và người chồng đang
mất tích của Nhàn. Hôm nay, nhân lúc Nhàn đi Sài-gòn tìm hỏi tin tức của
chồng, ông mới hỏi vợ những chuyện liên quan đến con gái và ba đứa cháu
ngoại mà ông bắt đầu cảm thấy thương chúng như những đứa cháu đích
tôn. Ông đã bồng bế chúng, hôn chúng, chơi đùa với chúng. Ông cảm thấy
hạnh phúc, tuy pha lẫn xót xa.
Năm nay 61 tuổi, ông giáo Thế đã chứng kiến những biến động nối tiếp xảy
ra trong suốt cuộc đời ông. Khi còn đi học ông đã tham gia những hoạt
động chống Pháp nhưng không theo đảng phái nào. Trở thành một nhà
giáo, ông đã tận tụy với chức nghiệp cho đến ngày về hưu một năm trước