ươn lời gian dối tư sản!
Từ ngày ở Ủy Ban Quân Quản tỉnh Sông Bé về, ông Hai Thế bị sa sút tinh
thần trầm trọng. Ông bị mất ngủ nặng và thường uống rượu. Ông hoàn
toàn không được tin tức gì của Nhàn. Giam ở đâu? Tội gì? Có ra tòa xử
hay không? Và bao giờ mới được ra khỏi nhà tù?
Những câu hỏi của Hai Thế chỉ được đạp lại bằng tiếng vọng của chính
ông.
Như hầu hết người dân miền Nam, ông không trông đợi cuộc cách mạng
này nhưng cũng không làm gì để chống lại, và cảm thấy bánh xe nặng nề
của nó đang nghiến trên cuộc sống của ông và gia đình ông, cũng như của
mọi người chung quanh đang quằn quại một cách bất lực.
Trước tiên là ông giáo Thế không còn được lãnh số tiền hưu hàng tháng sau
cả một đời làm việc. Nó tự nhiên biến đi mà không ai cần giải thích với
ông một lời. Kế đến là phải trả tiền thuế truy thâu cho cách mạng đánh trên
vườn trái cây của ông từ năm 1960. Tại sao lại 1960? Cái này thì được
giải thích: 1960 là năm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam
được thành lập. Nhưng đau đớn nhất cho ông bà Hai Thế là sau khi chiến
tranh chấm dứt, đáng lẽ là lúc gia đình đoàn tụ xum họp thì cảnh ly tán đã
diễn ra bi đát hơn bao giờ, kể cả trong thời chiến.
Con trai cả của ông bà Hai Thế, Hùng, một thiếu tá Không quân, đã bay ra
ngoại quốc với vợ và hai con. Con trai thứ ba, Trí, em cô Nhàn, một sĩ
quan Hải quân, cũng đã theo tàu đi tị nạn, không kịp đem vợ con theo. Cô
con gái út, Nhã, có chồng là một sĩ quan Công binh, bị đi tập trung cải tạo,
dù anh là con của một cán bộ cộng sản tập kết ở Bến Tre. Và, Nhàn không
làm gì cho chế độ miền Nam cũng bị đi cải tạo, để lại ba đứa con nhỏ cho
ông bà ngoại coi sóc.
Ba đứa bé tuy nhớ mẹ nhưng ngoan ngoãn cũng là một niềm an ủi cho ông
bà Hai Thế, dù đôi lúc họ xót xa nhìn chúng sống hồn nhiên mà không biết
tương lai sẽ ra sao. Mọi người trong nhà cố tạo cho chúng một cuộc sống
bình thường trong một hoàn cảnh không bình thường. Ông dạy chúng học
ở nhà vì bị từ chối thâu nhận vào trường học với lý do không có tên trong
tờ khai hộ khẩu.