- Thưa đồng chí,sản xuất hiện đại như vậy sao Liên Xô vẫn không có đủ
lương thực để nuôi dân?
- Ai bảo với anh Liên Xô không sản xuất đủ lương thực để phục vụ nhân
dân?
- Thì báo chí, thông tin...
- Báo chí thông tin nào? Của ta hay của địch? Bà con phải cảnh giác, bỏ
ngoài tai tuyên truyền phản động của địch, chấp hành nghiêm chỉnh đường
lối của nhà nước cách mạng để một ngày không xa Việt Nam cũng sẽ tiến
tới đời sống ấm no hạnh phúc như tại Liên Xô.
Không còn ai thắc mắc, đồng chí Năm Tánh loan báo:
- Việc tập thể hoá các vườn trái cây trong huyện ta sẽ được bắt đầu trong
một tuần lễ nữa với việc đo đạt diện tích vườn và đếm gốc cây, xếp loại cây
trái.
Bỗng ông Hai Thế đứng lên nói:
- Tôi nghĩ bây giờ đất nước giải phóng, độc lập tự do rồi, sao nhà nước ta
lại độc đoán bắt nhân dân sản xuất tập thể..
Năm Tánh ngắt lời Hai Thế:
- Cách mạng không bắt buộc ai. Đó là quyết định của nhân dân. Nhà nước
cách mạng là chính quyền của nhân dân.
Ông Hai Thế tiếp tục phát biểu:
- Vậy thì chúng tôi, những chủ vườn ở đây, có phải là nhân dân không?
Chúng tôi đã tạo dựng nên những vườn trái cây này bằng mồ hôi nước mắt
sau bao nhiêu năm lao động cực nhọc mà bây giờ không được quyền quyết
định gì cả về tài sản của mình và cũng không ai thèm hỏi ý kiến chúng tôi.
Như vậy sao gọi là giải phóng, tự do?
Mọi người im phăng phắc, lấm lét đưa mắt nhìn ông Hai Thế rồi lại lấm lét
nhìn đồng chí Năm Tánh đang ngơ ngác lúng túng như băng cát-xét bị kẹt
bất ngờ. Bỗng một bà to béo với chiếc khăn rằn vắt vai đứng vụt dậy. Đó
là "Má Bảy", một bà "mẹ chiến sĩ" nổi tiếng trong vùng. Mặt đỏ bừng
trong cơn giận dữ, hai tay chống nạnh, Má Bảy nói sang sảng:
- Đứa nào tới vườn của tao đo đất, đếm gốc cây, tao chém ráng chịu. Tập
thể hoá vườn trái cây là cái gì, hả? Trước kia sao không nói mà chỉ hứa hẹn