đến. Nhịp sống nơi đây quay rất nhanh với những hợp tan, với những tiếng
cười xum họp và những giọt nước mắt chia ly.
Tới Bidong được một ngày, trưa hôm sau trong lúc đang lo quét dọn túp lều
nhỏ của một gia đình vừa rời đảo nhường lại, Nhàn được một phóng viên
Mỹ tìm đến phỏng vấn. Một gã hippy với hàm râu xồm, mái tóc bù xù và
một cái áo sơ-mi ngắn tay có in hình những bông hoa nhiệt đới. Nhưng anh
ta rất lịch sự, lễ phép mở đầu:
- Chào bà Phan. Tôi là Jimmy Walker, phóng viên của hãng tin ABC. Tôi
được biết bà đã trải qua một cuộc vượt biển ly-kỳ nên muốn xin một cuộc
phỏng vấn.
Nhàn ngừng tay quét rác, chống cán chổi trả lời:
- Tôi sợ ông sẽ thất vọng vì cuộc vượt biển của tôi không có gì ly-kỳ cả, và
chắc ông đã biết những gì xảy ra. Một thảm kịch. Thế thôi.
Walker lấy trong chiếc túi da ra một tấm hình và đưa cho Nhàn:
- Thưa bà Phan, đây là tấm ảnh của bà mà một nhiếp ảnh viên của chúng
tôi đã chụp được ngày hôm qua.
Nhàn đưa tay cầm tấm ảnh và nhăn mặt nhìn. Đúng là ảnh của cô lúc đang
đứng trên bờ biển, bên cạnh con tàu Blue Dart của Cao Uỷ Tị Nạn Liên
Hiệp Quốc để chờ đi Bidong, mái tóc bay trong gió, đôi mắt nhìn dõi ra
biển khơi trông buồn vời vợi.
- Đôi mắt của bà trong tấm ảnh thật là đặc biệt. - Walker nói - Nó huyền bí
như cái nhìn của Mona Lisa trong bức tranh La Joconde, nhưng cái nhìn
của bà làm người ta xúc động hơn. Nó sâu thẳm và thật là u buồn khó tả...
- Thật à? - Nhàn đáp hững hờ.
- Tôi đặt tên bức ảnh này là "Đôi mắt của một thuyền nhân Việt Nam", và
muốn đăng lên báo với một bài phóng sự đi kèm.
- Tôi sợ không có gì để giúp cho bài phóng sự của ông.
- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi đã nghe những câu chuyện do những người
khác kể lại và được biết chồng của bà đã chết trong lúc cố bơi sang một
chiếc tàu lớn để cầu cứu. Thật là một thảm kịch. Xin bà cho biết chuyện
ấy có thật không?
- Đúng như vậy.