PHẦN NHẤT : NHÌN CHUNG
I. NGUYỄN GIA THIỀU
1) THÂN THẾ – THỜI ĐẠI
Ông là trưởng nam của Đạt Vũ Hầu Nguyễn Gia Cư. Mẹ là bà quận
chúa Ngọc Trân, tức Quỳnh Liên công chúa, con gái của chúa Trịnh Cương
(Trịnh Hy Tô). Ông họ Nguyễn, tên Gia Thiều, làm quan võ được phong
tước Hầu : thường gọi là Ôn Như Hầu.
Ông sinh năm 1741, tức là năm thứ ba, triều vua Lê Hiển Tôn, niên
hiệu Cảnh Hưng (thế kỷ XVIII). Sinh quán ông : làng Liễu Ngạn, tổng Liễu
Lâm, huyện Siêu Loại (Phủ Thuận Thành bây giờ) tại trấn Kinh Bắc (Bắc
Ninh hiện nay).
Vì là cháu ngoại Trịnh Cương, đối với Nhà Chúa còn có họ gần nên từ
lúc lên 5 ông đã được vào cung của chúa Trịnh Doanh ăn học.
Năm 12 tuổi (Cảnh Hưng thứ 13 – 1753) ông được chúa Trịnh-Doanh
cấp điền 10 mẫu thuộc đất xã Quang Biểu huyện Việt Yên. Đến 3 năm sau
ông lại được thêm 10 mẫu nữa tại xã Lâm Cương cùng huyện đó.
Lớn lên, có thời kỳ ông làm nội thị khá lâu. Chức của ông từ Hiệu Úy
chuyển sang Quản Thị Vệ. Sau đó, chúa Trịnh Doanh xin sắc của Lê Hiển
Tôn phong cho ông làm Chỉ Huy Thiêm Sự vào khoảng tháng 1 hiệu Cảnh
Hưng thứ 24. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm cho ông sung chức Lưu Thủ xứ
Hưng Hóa. Khi ông giữ chức Tổng Binh Đồng Tri, có chiến công được
phong là Ôn Như Hầu.
Nhưng ông không ham thích việc võ nên thường bỏ bê, hay giao du với
các nhà học giả, thi nhân, tranh luận về văn-thi triết-học. Trên bước đường
tiến thân, có lúc ông được thăng chức, lúc thì mất tín nhiệm với Phủ Liêu ;
và ông thường bị nhiều người ghen tài năng, dèm pha.