“Con chim khi sắp chết sẽ kêu tiếng rất bi thương; Người khi
sắp chết, những lời nói ra nhất định sẽ rất thực. Lễ nghĩa mà
người quân tử coi trọng có ba điều: Cử chỉ nên khoan thai điềm
đạm, ắt sẽ tránh được sự thô bạo và ngạo mạn của người khác; Khi
nói chuyện chú ý đến ngôn từ và thanh điệu thì có thể tránh được
thất thố và sai sót. Liên quan đến các chi tiết khác, sẽ có người
chuyên phụ trách.”
Để Mạnh Kính Tử có thể thực sự lắng nghe lời của mình, trước
tiên, Tăng Tử nhấn mạnh những lời mình nói là tổng kết kinh
nghiệm cả đời; là di ngôn. Trong đó, “Cử chỉ khoan thai, điềm đạm”,
“Sắc mặt đoan trang”, “nói chuyện chú ý đến ngôn từ và thanh
điệu” chính là “động dung mạo”, “chính nhan sắc”, “xuất từ khí”.
“Bốn điều phi lễ” nhấn mạnh nhìn, nghe, nói, hành động đều
phải tuân thủ lễ tiết, là cương lĩnh hành động. Còn “động dung mạo”,
“chính nhan sắc”, “xuất từ khí” lại nói cho chúng ta biết cách làm
cụ thể. Ba cách làm này có liên quan mật thiết đến cuộc sống và
công việc của chúng ta.
Tại sao mọi người lại thô lỗ, lãnh đạm thậm chí là xem thường
bạn? Đây tuyệt đối không phải sai lầm của người khác, mà là do bản
thân không đủ nghiêm túc, trang trọng. Nếu bạn có thể làm cho cử
chỉ khoan thai, điềm đạm, sắc mặt đoan trang, người khác sẽ không
thô lỗ, lãnh đạm với bạn, tất sẽ không thể coi thường bạn.
Tại sao người khác lại không tin lời bạn, luôn nghi ngờ bạn? Bởi vì
thái độ của bạn chưa đủ đứng đắn, hãy thử suy nghĩ một chút: ai sẽ
tin một người có thái độ tùy tiện, lời nói hoa mỹ, xảo quyệt? Nếu bạn
mong muốn mọi người tín nhiệm bạn thì trước tiên phải chỉnh đốn
thái độ bản thân cho trang trọng, đứng đắn.