bước như chạy, càng xa khỏi con người trưng bày càng tốt. Thái hấp tấp rảo
bước theo, hơi khó chịu:
— Cậu không thích mẫu robot ấy sao? Một trong các mẫu trưng bày
quan trọng nhất của triển lãm đấy!
— Có thể tớ chưa quen, chưa có sự chuẩn bị tâm lý trước những hình
mẫu giống như người nhưng không phải là người.
— Cậu không nghĩ đến các sản phẩm ấy ở một ý nghĩa khác? - Bạn thân
cười khẽ.
— Cậu vừa nói gì? - Lâm thốt lên - Cậu gọi cô gái chúng ta vừa giao
tiếp là một sản phẩm?
— Tất nhiên. Còn cách gọi nào khác sao? Khi không phải là con người,
thì mọi thứ đều là đồ vật. Tất cả được xem là mặt hàng đưa vào kinh doanh,
với một mức giá nhất định. Ngay cả con người, đôi khi cũng là một món
hàng có thể mua và bán đấy thôi. Cậu hiểu ý nghĩa sâu xa mà triển lãm này
hướng tới không? Để đo lượng phản ứng của thị trường đấy. Khi nhu cầu
xuất hiện, các mặt hàng như một số mẫu robot tụi mình vừa xem chắc chắn
sẽ mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đã có nhiều robot được đưa
vào sử dụng trong đời sống thực tế. Các ưu khuyết của sản phẩm được ghi
nhận và điều chỉnh. Nếu sản xuất càng nhiều, kinh doanh càng thành công,
những nhà nghiên cứu đồng thời cũng là nhà kinh doanh như ba tớ sẽ đầu
tư để các robot ngày càng hoàn thiện hơn về kỹ thuật.
— Hoàn thiện hơn?
— Tức là tiêu tốn ít năng lượng hơn, đa dụng hơn, và giống với con
người thật hơn!
Câu nói cuối cùng của bạn thân đã ở lại trong đầu Lâm, như một con cá
kẹt lại trong vách đá, ngủ quên trong dòng nước lạnh của những dữ kiện
trôi qua thờ ơ. Cho đến lúc này, khi cậu đang ở trên đường, trong một thành
phố vẫn còn xa lạ, thì nó bỗng cựa mình thức giấc, quẫy mạnh, lia những
chiếc vẩy sắc lẻm, cứa vào mảng rêu nhói đau.
Đưa vào sử dụng phổ biến hơn.
Giống với người thật hơn.
Sử dụng nhiên liệu ít hơn và cũng tiêu hao ít năng lượng hơn.