Nguyễn Bắc Sơn
Luật Đời & Cha Con
Chương 2
Anh con rể Trần Kiên ghé về thăm bố mẹ vợ.
Ông Hoè hỏi ngay con rể chuyện báo chí đang ồn ào việc đất đai quận Lâm
Du. Anh thưa với bố vợ, có chuyện ấy thật. Lập tức ông nghiêm giọng lên
lớp:
- Ngày xưa, nghèo, khổ vì nghèo. Bây giờ, giầu, lại khổ vì giầu! Ngày xưa
đất chỉ đẻ ra hạt lúa, củ khoai, bây giờ đất đẻ ra cả đống vàng, đô la. Ngày
xưa, làm quần quật quanh năm suốt tháng đất cũng chưa nuôi nổi người.
Bây giờ, chỉ sau một giờ, đất biến một người nông dân nghèo rớt mồng tơi
thành tỉ phú. Bây giờ, đất đã biến bao nhiêu người thành cái gì cũng không
biết nữa.
Bảo ông lên lớp con rể cũng chả phải. Đấy là tâm trạng ông, suy nghĩ của
ông trước thời thế. Ông nói như một sự chia sẻ. Kiên lắng nghe. Ông nói
đúng quá đi. Chỉ có điều, nó không giúp gì anh lúc này, để giải bài toán
này. Thường bố vợ chỉ đưa ra những nhận định, những ý kiến chung chung,
có ý nghĩa định hướng, cho nên chả bao giờ sai. Bố con anh biết nhau đã
lâu, từ hồi anh còn làm trong nhà máy, thời bao cấp nên cũng dễ thông cảm.
Cái khó, cái khổ thời ấy bây giờ nhớ lại, đến bản thân mình cũng thấy lạ
lùng, kỳ quặc. Không hiểu sao lúc ấy lại thấy tự nhiên, bình thường như nó
phải thế. Bây giờ, anh đã có một gia đình riêng trong cái gia đình chung
này. Ông cụ lo cho mình, cũng là lo cho con gái, cho cháu cụ.
Anh nhìn bố vẻ biết ơn. Ông cụ theo dõi từng bước đi từng việc làm của
mình.
- Bố định hỏi, liệu con có tư túi gì trong vụ đất đai ở Quận con không chứ
gì?
Nghe cái giọng nhẹ nhõm, tươi tỉnh của con, ông cũng thấy yên tâm phần
nào. Tuy thế ông vẫn cứ nói, như một thói quen nghề nghiệp:
- Cẩn thận mấy vẫn chưa đủ. Sơ suất một tí là thừa rồi! Điều ấy chắc anh
biết, nhưng nói cũng không thừa. Lại còn phải lưu ý điều này, mình thì biết