Đến đây, Triển có vẻ thiếu bình tĩnh:
- Kể cả việc đồng chí bảo các báo đánh đòn hội chợ?
- Một sự bịa đặt không hơn không kém!
Không biết Triển mất bình tĩnh hoàn toàn, hay anh đã lấy lại được bình tĩnh
để không bộc lộ mình quá sớm. Anh đứng dậy:
- Tôi là cán bộ dưới quyền đồng chí, nhưng khác tất cả những cán bộ khác
dưới quyền đồng chí trong cơ quan này. Tôi là nhà báo!
Nhìn thẳng vào mặt Toàn, Triển nói xong câu ấy đứng dậy, không bắt tay,
không chào. Anh nói một câu, mà không một người cấp dưới nào nói với
cấp trên:
- Tôi đề nghị kết thúc buổi làm việc tại đây.
***
Kiên đọc xong mấy bài báo. Có thể họ thiếu cái thông cảm, thiếu cái thể tất
nhân tình, thiếu cái nhìn toàn diện. Nhưng đứng về phía công luận, phía
công chúng, như một sự phản biện, như một đối trọng, thì họ đúng. Và nhất
là, họ có quyền làm thế. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm của các cơ
quan ngôn luận, họ phải làm thế. Anh không sợ những vấn đề họ nói ra. Họ
nói sai thì đã đi một nhẽ. Sợ nhất là họ nói đúng, có vấn đề anh trả lời được.
Đối thoại được. Chuyện đất thì không lo, vì Thành uỷ đã cho phép về chủ
trương, mà Thành uỷ cũng làm như thế. Chuyện dự án thoát nước thì quả là
nước không thoát được thật, còn những gì đã thoát, đã thất thoát thì phải
kiểm tra xem đã. Riêng chuyện tăng ni phật tử biểu tình ngồi ở đền Linh
Vân mà chưa giải quyết được thì quá dở, lỗi rành rành ra rồi.
Hôm trước, anh có hỏi Thanh Diệu về phương án giải toả để giải phóng
mặt bằng, nhưng bên ấy cũng chưa có giải pháp gì. Có lẽ vì thế mà chưa có
báo cáo sang. Nghĩ thế, anh quyết định tự mình đi tìm hiểu xem sao.
Anh bảo Đoàn Hùng liên hệ với bên Uỷ ban, xin một người thông thạo về
quy hoạch đưa mình đi hiện trường. Trong nửa tiếng đồng hồ - anh nêu một
loạt câu rồi nói:
- Các đồng chí đợi ở đây mười lăm phút nữa ta đi - Quay sang Hùng - Cậu
xuống phòng bảo vệ, kiếm cho tôi đôi dép lê, bộ quần áo tàng tàng một tí
nhé, mũ gì cũng được. Cả cậu nữa, bỏ giầy, cũng kiếm bộ như tôi ấy! Rõ