Ngày đó, gia đình tôi sống trong một căn hộ tập thể. Ký ức của tôi
là mùi rau má thoang thoảng bay vào nhà qua ô cửa sổ mở toang
hướng về phía sân sinh hoạt chung. Nhà hàng xóm thường giã
nhuyễn rau má trong chiếc cối đá, sau đó lọc lại một lần bằng vải
mùng để lấy nước uống. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi
thường ngồi ở ô cửa sổ đó mà ngắm nhìn nhịp chày đều đặn
nghiền nát những lá rau má tươi xanh mơn mởn, mùi hương quyện
ngọt lấy từng khoảnh khắc bình yên.
Khi ấy, gia đình tôi có một nhà hàng nhỏ chuyên bán đồ ăn cho
người nước ngoài ở khu phố Tây. Mẹ khá bận rộn với công việc ở cửa
hàng, còn ba thì luôn có việc riêng ở bên ngoài. Cho đến một ngày,
khi ấy tôi khoảng bốn tuổi, tôi chỉ nhớ đó là một ngày mùa hè
nắng chói chang, mẹ bắt tôi gọi ba bằng “chú”. Tôi không biết vì
sao lại như vậy. Lớn hơn một chút tôi mới hiểu, con cái chính là đòn
trừng phạt ghê gớm nhất mà họ có thể dành cho nhau. Như thể ai có
được đứa con - là tôi - thì đó là kẻ chiến thẳng. Dẫu tôi biết, mẹ
cũng chẳng vui sướng gì, ngược lại, việc tước quyền làm cha của
người đàn ông ấy như nêm chặt hơn vào nỗi đau của mẹ, sự ức chế
vô hình như một chiếc bình bị dồn nén quá nhiều thứ vào bên
trong, chỉ chực chờ tan vỡ.
Ba thường xuyên vắng nhà. Ông có nhiều mối quan hệ chồng
chéo với phụ nữ bên ngoài, khiến mẹ tôi cảm thấy bất an. Niềm
tin dần mất đi khi ông nhiều lần không giải thích được về
những hành động của mình, vì sao ông thường ra khỏi nhà vào ban
đêm, và có khi mẹ tôi cũng chẳng thể liên lạc được với ông trong vài
ngày. Không ít lần, mẹ tôi bắt gặp ông đi cùng người phụ nữ khác.
Lắm lúc, chính ông cũng thừa nhận rằng đó là nhân tình của mình
khiến mẹ tôi bao phen sống dở chết dở.
Không như những đứa trẻ khác, tôi chỉ thích loay hoay chơi một
mình đằng sau cánh cổng nhà. Bạn của tôi chỉ là mấy chú cá bé xíu