Không phải chỉ có một mình Ngài, Tam tạng Trí Dược mà có rất nhiều đồ
đệ đi theo. Ngài nói với họ rằng:
–Đầu nguồn của dòng suối là một thắng địa, có thể kiến lập Tự viện.
Tự viện, tên gọi Lan-nhã là tiếng Phạn, nghĩa là tịch tĩnh xứ, là nơi thanh
tịnh tu hành. Đất này thanh khiết, núi non xanh biếc bao quanh, phong cảnh
tú lệ, thật là nơi thắng địa tu hành.
*
Sư kêu dân làng Tào Hầu mà bảo rằng: "Nơi núi nầy nên lập một cảnh
chùa, sau đây một trăm bảy mươi năm, sẽ có một vị Vô Thượng Pháp
Bảo diễn hóa tại chỗ nầy, số người đắc đạo nhiều như cây rừng, vậy
nên đặt hiệu chùa là Bảo Lâm."
Thuở ấy có quan Châu mục tỉnh Thiều Châu, tên là Hầu Kỉnh Trung,
lấy những lời ấy mà làm biểu dâng vua, vua nhận lời xin, lại ban cho
một tấm biểu hiệu là Bảo Lâm. Thế mới thành một cảnh chùa Phật. Ấy
là một ngôi chùa có trước hết đời nhà Lương, niên hiệu Thiên Giám,
năm thứ ba.
Giảng:
Thôn này gọi là Tào Hầu, là hậu duệ của Tào Tháo thời đại Tam Quốc. Đại
sư Trí Dược dự đoán một trăm bảy mươi năm sau, "Vô Thượng Pháp Bảo"
tức là Lục Tổ trụ tại Bảo Lâm và giáo hóa chúng sanh. Tăng chúng xuất gia
và người tại gia tại chỗ này, người khai ngộ đông như số cây trong rừng, vì
vậy đất này gọi là "Bảo Lâm." Lúc đó, trưởng quan Thiều Châu Hầu Kỉnh
Trung đem lời dự đoán của Đại sư Trí Dược tâu với triều đình, Lương Võ
Đế bèn ân tứ là Bảo Lâm. Thiên Giám năm thứ ba (công nguyên năm 504),
xây dựng Chùa này, tức là Chùa Nam Hoa hiện nay.