Thính thuyết y thử tu hành,
Thiên đàng chỉ tại mục tiền.
Sư lại nói : Thiện tri thức, cần phải y theo kệ này tu hành, nhận thấy tự tánh,
thẳng đến Phật địa. Pháp chẳng đợi người, các ngươi hãy đi, ta về Tào Khê,
hễ có thắc mắc thì đến hỏi. Lúc ấy Sử Quân và trong hội các quan chức,
thiện nam tín nữ đều được tỉnh ngộ, tín thọ phụng hành.
---o0o---
Phẩm Định Huệ Thứ Tư
Sư dạy chúng rằng: Thiện tri thức, pháp môn này lấy Định Huệ làm gốc.
Các ngươi chớ lầm rằng ĐỊNH với Huệ có khác; ĐỊNH Huệ vốn nhất thể,
chẳng phải là hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định, ngay trong
lúc huệ có định, ngay trong lúc định có huệ, thấu được nghĩa này tức là định
huệ đồng nhau. Các ngươi học đạo chớ cho là trước phát định sau phát huệ,
hay trước huệ sau định có khác, kiến giải như vậy thành ra pháp có nhị
tướng. Miệng tuy nói lành mà trong tâm chẳng lành, tuy có định huệ mà
định huệ chẳng đồng nhau. Nếu tâm miệng đều lành, trong ngoài nhất thể,
tức là định huệ đồng nhau. Tự ngộ tu hành, chẳng nên tranh biện, nếu tranh
giành trước sau thì đồng với kẻ mê, chẳng dứt hơn thua, lại thêm ngã chấp,
chẳng lià được tứ tướng (nhơn, ngã, chúng sanh, thọ giả).
Thiện tri thức, ĐỊNH Huệ ví như cái gì? Như đèn và ánh sáng: có đèn thì
sáng, không đèn thì tối; đèn là thể của sáng, sáng là dụng của đèn, tên tuy
có hai, thể vốn là một, pháp ĐỊNH Huệ cũng vậy. Sư dạy chúng rằng: Thiện
tri thức, nói nhất hạnh tam muội, là ở tất cả mọi nơi đi đứng nằm ngồi
thường hành trực tâm. Kinh Duy Ma Cật nói: Trực tâm là đạo tràng, trực
tâm là tịnh độ. Chớ nên tâm hạnh quanh co, miệng thì nói trực, nói nhất
hạnh tam muội mà chẳng hành trực tâm. Người hành trực tâm, đối với tất cả
pháp chẳng nên chấp trước. Kẻ mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam