Tăng hỏi Sư: Ý chỉ của Huỳnh Mai người nào được?
Sư đáp: Người hiểu Phật pháp được.
Hỏi: Hoà Thượng có được chăng?
Đáp: Ta chẳng hiểu Phật pháp.
Một hôm, Sư muốn giặt cái y của Ngũ Tổ truyền thọ mà xung quanh không
có suối tốt, nên đi đến cách sau chùa năm dặm, thấy có núi rừng xanh biếc,
thoại khí vòng quanh (thoại khí là triệu chứng tốt lành hiện trên không khí,
nhưng phải là người có pháp nhãn mới thấy được. Sư dộng tích trượng
xuống đất, nước suối ngay đó trào ra, chảy thành cái ao. Sư quỳ trên đá mà
giặt y.
Có vị Tăng ở Tây Thục tên là Phương Biện đến lễ Sư, Sư hỏi: Thượng Tọa
làm nghề gì?
Đáp: Thợ đắp tượng.
Sư nghiêm mặt lại nói: Ngươi thử đắp ta xem!
Biện ngơ ngác, qua mấy ngày sau đắp xong chơn tượng, cao bảy tấc, nét
mặt tánh tình đều được tỏ bày khéo léo.
Sư cười nói: Ngươi khéo tánh đắp tượng mà chẳng hiểu tánh Phật. Sư rờ
đầu thọ ký, dặn phải trọn làm phước điền cho trời người; rồi lấy y mà trả
công. Biện chia y làm ba phần: một phần đắp lên pho tượng, một phần tự
giữ lấy, một phần lấy lá cây kè gói lại, xong chôn dưới đất, nguyện rằng:
Cho tôi đời sau được y này, làm trụ trì nơi đây, xây dựng lại chùa chiền.
Đến năm thứ tám, niên hiệu Gia Hữu đời Nhà Tống (1056-1063, cách đó
380 năm), có vị Tăng tên là Duy Tiên đến đó tu sửa lại chùa chiền, đào đất
được y còn như mới. Pho tượng của Sư còn giữ ở chùa Cao Tuyền.