LƯỢC SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM - Trang 88

Do đó, sự nới rộng hay thu hẹp mức độ hạn chế quyền tự do báo chí

phải tùy theo thời kỳ riêng biệt, loạn lạc hay thái bình, trình độ dân trí cao
hay thấp, mức độ thụ cảm của con người trong cộng đồng xã hội sâu sắc hay
nông cạn. Như vậy, chúng ta có thể tạm kết luận rằng chế độ báo chí có
được tự do hay không KHÔNG phải là do luật pháp có ấn định tự do báo chí
hay không mà ở chính việc báo chí có hành xử quyền tự do ấy một cách
khôn khéo và hợp lý hay không. Tự do báo chí không phải là một nguyên
tắc cố định mà là một sự điều hợp linh động giữa các quyền tự do của con
người với quyền lợi của xã hội, của quốc gia, nói đúng ra là của vấn đề an
ninh quốc phòng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh bùng nổ.

Theo lý thuyết trách nhiệm xã hội của báo chí thì tự do ngôn luận phải

thăng bằng với quyền tự do của kẻ khác và quyền lợi cốt yếu của xã hội.
Con người chỉ có quyền lợi về tinh thần khi đảm nhận những nghĩa vụ về
tinh thần, và cán cân công lý khó mà đo lường được mức độ thăng bằng về
tinh thần đó. Cho nên, ảnh hưởng của luật pháp đối với báo chí chỉ là một
sức chi phối ngoại hướng, không quan trọng bằng ý thức của chính báo chí.
Việc báo chí có hành xử được quyền tự do của mình một cách chính xác hay
không mới là điều quan trọng, và sự hành xử như vậy chưa thể được coi là
hoàn hảo trừ khi chúng ta có được một nền giáo dục khả dĩ nâng cao ý thức
con người, kể cả người cầm bút, người đọc, và người điều khiển xã hội, để
đạt tới một trình độ tự giác khả dĩ dung hòa được quyền lợi của cá nhân với
quyền lợi của tập thể.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.