Vào những năm đầu và cuối đêm trường trung cổ, xuất hiện hai nhà tư
tưởng theo Ki tô giáo, những trí tuệ vĩ đại trong thời đại của họ. Họ suy nghĩ
trường kỳ và sâu sắc về ý nghĩa lời dạy của Chúa Ki tô. Nó nói gì về cách
những người theo Ki tô giáo nên tham gia vào nền kinh tế như thế nào?
Những năm đầu thời kỳ trung cổ là Thánh Augustine thành Hippo (354-
430), một giảng sư trẻ năng động đã trưởng thành và trở thành một vị thánh
nhân thông thái. Cuối thời kỳ trung cổ là Thánh Thomas Aquinas (1224/25-
1274), một thầy tu người Ý sống trong thời kỳ nền văn minh thương mại
mới nổi lên ở Ý. Các tác phẩm của ông đã hướng dẫn cho những người theo
Ki tô giáo về cách sống trong xã hội đang thay đổi này.
Augustine được sinh ra trong Đế quốc La Mã đang hấp hối nên một
chân ông vẫn còn đặt trong thế giới cổ đại, chân còn lại bước vào thế giới
trung cổ đang manh nha hình thành. Sau những chuyến đi lang thang và tự
vấn lương tâm dài đằng đẵng, ông đã cải đạo sang Ki tô giáo. Người Hy Lạp
đã nghĩ về xã hội và nền kinh tế tại các thành bang của các vị vua, các nhà
nước nhỏ với những người cai trị khôn ngoan. Augustine đã biến nó thành
Thành phố của Chúa, ở trên cùng là vị trí của Chúa Ki tô, vị cứu tinh của
nhân loại. Thành phố của Chúa được cai quản bởi luật pháp của con người
và luật pháp của Chúa. Đó là bởi vì mọi người phải tham gia vào hoạt động
bình thường hằng ngày là việc kiếm tiền. Sự giàu có là một món quà mà
Chúa ban cho những người đầy tội lỗi cần nó để tồn tại. Cuộc sống tốt đẹp
nhất có được bằng cách từ bỏ tài sản sở hữu, mà một số người theo Ki tô
giáo đã thực hiện bằng cách sống không tiền như ẩn sĩ hoặc trong cộng đồng
của các thầy tu. Nhưng trong một thế giới không hoàn hảo, mọi người phải
sở hữu tài sản, và điều quan trọng là phải không yêu tài sản của mình và
hiểu rằng chúng đơn giản là phương tiện để sống một cuộc sống tốt đẹp và
thánh thiện.
Ý tưởng của Augustine đã giúp định hình xã hội trung cổ thay thế cho
xã hội của người La Mã. Người La Mã đã tạo ra một đế chế rộng lớn. Thành
phố của họ là những kỳ quan của sự tinh tế thanh lịch và kỹ thuật. Riêng
Rome có 1.000 phòng tắm công cộng được cấp nước bằng máng nước. Sau
khi Augustine qua đời, đế chế ấy bị lật đổ bởi quân xâm lược, và trong vài