chi tiêu tại nước nhà. Điều đó sẽ loại bỏ toàn bộ nguyên nhân chủ nghĩa
đế quốc tồn tại. Cuối cùng, Hobson nói, chủ nghĩa đế quốc chỉ mang lại
lợi ích cho một nhóm nhỏ - các công ty tài chính độc quyền và các ngân
hàng. Nó không giúp cho cả đất nước trên tổng thể, vì quốc gia phải chi
tiền cho quân đội chiếm đóng những vùng đất mới và sau đó bảo vệ
chúng. Và chủ nghĩa đế quốc làm tổn hại người dân thuộc địa bị đặt
dưới sự cai trị của quân đội và chính phủ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Lenin, vấn đề nghiêm trọng hơn là
sự phân bố của cải một cách bất bình đẳng. Năm 1916, khi hàng triệu
nhân dân lao động đang tàn sát lẫn nhau trên chiến trường, ông đã xuất
bản một cuốn sách có tên Chủ nghĩa đế quốc: Giai đoạn cao nhất của
chủ nghĩa tư bản (Imperialism: The Highest Stage of Capitalism). Marx
rất phẫn nộ với chủ nghĩa tư bản và tài sản tư nhân vì chúng dẫn đến
việc công nhân bị bóc lột. Bây giờ Lenin bổ sung thêm một lời chỉ trích
khác. Chủ nghĩa tư bản và tài sản tư nhân đã khiến chiến tranh thành
điều không thể tránh khỏi. Giải pháp của ông mang tính toàn diện:
“Biến đổi cuộc chiến tranh đế quốc thành một cuộc nội chiến”. Các tầng
lớp nhân dân lao động từ các quốc gia khác nhau nên ngừng chiến đấu
với nhau và thay vào đó vươn lên lật đổ các nhà tư bản ở nước họ. Chỉ
sau đó chiến tranh giữa các quốc gia mới có thể chấm dứt.
Nhưng thay vì bắt đầu một cuộc cách mạng, các tầng lớp lao động
của châu Âu đã nhiệt tình tham chiến. Lý thuyết chủ nghĩa đế quốc đã
giải thích tại sao lại như vậy, Lenin nói. Lợi nhuận khổng lồ các công ty
thu được thông qua quyền lực độc quyền và chủ nghĩa đế quốc đồng
nghĩa với việc là họ có thể trả lương cao cho công nhân. Người lao động
trở thành “quý tộc lao động” chấp nhận chủ nghĩa tư bản và chiến
tranh; hạnh phúc với những tiện nghi trong nhà được mua bằng tiền
lương của họ, họ thích giữ công việc của mình hơn là bắt đầu một cuộc
cách mạng.
Hobson và một số người khác tin rằng chủ nghĩa đế quốc là một
dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa tư bản đang chết dần. Nhìn lại thời kỳ của