Các Đạo gia thì khác, họ xem xét chính thế gian này và họ yêu những gì họ
thấy được. Người theo đạo Lão xúc động trước sự thống nhất và tương thuộc
trong thế giới, cách vạn vật vận hành cùng nhau. Trừ khía cạnh con người! Con
người đã không còn hòa đồng với vũ trụ vì tâm trí vị ngã của con người đã khiến
họ lạc điệu với nhịp tự nhiên của vũ trụ này. Sự bình an nằm ở việc khôi phục sự
hòa hợp với tự nhiên và sống thuận theo nhịp điệu đó. Cách đạo Lão diễn tả điều
đó khiến nhiều người thấy khó nắm bắt. Họ mời gọi con người sống thuận theo
Đạo của vũ trụ, nhưng họ không giải thích Đạo đó là cái gì. Chuyện còn khó hiểu
hơn nữa khi họ bảo rằng không thể học được Đạo nếu không biết Đạo. Khó hơn
nữa khi họ bảo ai đã biết Đạo thì không nói về nó, còn ai nói về nó tức là không
biết gì về nó cả. Đọc xong những dòng này, hẳn bạn thấy như ong não khi cố hiểu
rốt cuộc Đạo là gì. Như những người duy lý khác, bạn muốn mọi sự được giải
thích rõ ràng. Bạn muốn hiểu cái gì đang diễn ra. Đầu óc bạn đòi hỏi phải như
thế. Trong lúc đó, các Đạo gia chỉ làm bạn thêm bực mình vì họ chỉ cười với bạn
một cách hiền từ và không nói gì thêm cả!
Vậy bạn thử nhớ lại những lần bạn chăm chăm làm cái gì cho bằng được thì
lại không được như ý. Chỉ khi bạn thôi cố gắng thì việc lại thành. Giống như khi
bạn học bơi lần đầu, hay một chiều hè nọ, bạn tự nhiên tìm ra cân bằng và thấy
mình lái xe đạp băng băng trên đường. Mấu chốt là sự cân bằng. Chỉ những ai đã
trải qua cân bằng đó mới biết nó là gì. Ta có thể gọi nó là Đạo của việc đạp xe.
Như vậy đạo Lão muốn chúng ta tìm thấy sự cân bằng tương tự trong cách ta
sống và liên hệ, với không chỉ mọi người quanh ta mà với cả vũ trụ.
Người đứng đằng sau triết lý sống trên là một vị sinh cùng thời và lớn tuổi
hơn Khổng Tử gọi là Lão Tử. Ông sinh khoảng năm 600 TCN và được cho là
từng làm việc trong thư viện của một trong các hoàng đế Trung Hoa. Khi được
yêu cầu giải thích quan niệm sống của mình, ông đã cho ra đời một trong những
văn bản ngắn nhất và được tôn kính nhất lịch sử tôn giáo và triết học gọi là Đạo
Đức Kinh. Ý tưởng xuyên suốt trong đó là cân bằng và quân bình. Lão Tử nhận
thấy trong tự nhiên, mọi điều đều có thứ đối lập để bổ sung cho nó. Ông gọi hai
cực đó là Âm và Dương. Cái Âm nào cũng có phần Dương của nó, cứ có Dương
thì sẽ có Âm. Để làm rõ điều này, ông vẽ ra một hình tròn có một đường cong
bên trong chia nó thành hai phần bằng nhau, một phần màu trắng, phần kia màu
đen. Mỗi nửa vòng tròn như vậy có một chấm tròn nhỏ đại diện cho nửa còn lại,