Thuật ngữ chỉ thái độ sống này là thuyết vật linh. Nó không khác lắm với
một lý thuyết hiện đại gọi là thuyết Gaia, trong đó hành tinh này không phải một
đối tượng để con người cưỡng đoạt và khai thác mà là một sinh vật sống cần
được quan tâm như cách ta chăm sóc gia đình và bạn bè mình. Nghĩa là giới tự
nhiên cũng sống động và có linh hồn, có tầm quan trọng như con người vậy.
Người Nhật cảm thấy điều này từ tận tâm can. Không ai bảo họ là phải yêu theo
kiểu đó như một mệnh lệnh tôn giáo. Không ai bảo họ phải tin thế giới là như
vậy. Họ không có những ngày đặc biệt trong năm để kỷ niệm việc họ khám phá
ra bản chất của Trái đất. Họ không có tín ngưỡng về chuyện này. Chỉ đơn thuần là
một tình yêu dành cho hồn đất thể hiện qua các đền thờ họ dựng lên ở các địa
điểm đẹp đẽ, mỗi đền ghi dấu ấn với kiểu cổng đặc trưng gồm hai cột đứng và hai
xà ngang. Nhật Bản ngày nay có hơn một trăm ngàn đền thờ như vậy và đó vẫn là
những nơi được yêu kính.
Cách nhìn nhận thế giới của họ thậm chí còn không có tên gọi cho đến khi
người Trung Hoa đến nước Nhật vào khoảng năm 600. Họ đến không phải với tư
cách là những kẻ chinh phục hay người truyền giáo; nhưng quả thực, họ mang
theo đạo Khổng, đạo Lão, Phật giáo và về sau, các tôn giáo đó đều có chỗ đứng ở
nước Nhật. Có lẽ do người Trung Hoa thích phân loại các tín ngưỡng và thực
hành tôn giáo mà họ gặp. Có lẽ do người Nhật Bản quyết định là họ cần một cái
tên vừa diễn tả được tình yêu mà họ dành cho mảnh đất thiêng liêng này, vừa
phân biệt được nó với các tôn giáo mới đến. Thế nên họ gọi nó là Thần đạo, hay
đạo Shinto, với shin nghĩa là “thần linh” và to là thuật ngữ mượn từ đạo Lão,
nghĩa là “con đường”. Đạo của Thần. Con đường của các thần linh, tức Shinto.
Nếu thay bằng chữ “tình yêu” thì tinh thần có lẽ vẫn không đổi.
Bạn không phải tin rằng các thần linh đã tạo ra đảo quốc Mặt trời mọc từ
bùn đất để thấy ngưỡng mộ Thần đạo. Thần đạo nhìn xuyên khắp thế giới để thấy
một thứ gì đó sâu sắc hơn. Đôi khi nó thể hiện cái mình thấy qua những bức họa
tinh tế đầy ám ảnh. Và thường thì nó chỉ cần ngợi ca tình yêu thế giới thông qua
ba dòng thơ gọi là thơ haiku như sau:
Qua sông mùa hạ
Đôi dép trên tay