được kiểm soát. Cho đám dân ấy “sai một ly là chúng sẽ di đi cả dặm”. Vì vậy,
phải đánh đập chúng nặng tay và thường xuyên. Đấm vào hàm và đạp vào gáy là
thứ ngôn ngữ duy nhất mà chúng hiểu. Trong bối cảnh đó, sách Matthew thuật lại
cảnh Giê xu đứng trên ngọn núi như Moses khi xưa với Mười Điều Răn, mô tả
những gì sẽ xảy ra khi vương quốc của Chúa hiện diện trên cõi trần.
Nếu ai tát ngươi vào một bên má, ngươi sẽ đưa má còn lại cho hắn tát nữa.
Nếu ai lấy mất áo khoác của ngươi, ngươi sẽ bằng lòng trao luôn áo chùng cho
hắn. Ngươi yêu mến kẻ thù của mình chứ không thù ghét họ. Ngươi làm điều tốt
với những kẻ gây điều xấu cho ngươi. Và ngươi sẽ tha thứ và tha thứ và tha thứ
và tha thứ... mãi mãi như vậy. Trên Thiên đường, mọi việc là như thế nên trần
gian cũng nên theo như vậy. Điểm mấu chốt của cái thế giới ngược đời mà Giê xu
mô tả ở đây nằm ở trong câu từ mà ông nghe thấy ở lễ rửa tội bên sông: “con là
con trai yêu dấu của ta”. Thiên Chúa không phải là kẻ cai trị, hay ông chủ, hay
quản giáo của nhà tù loài người, không phải kẻ chăn dắt nô lệ, mà ngài là cha! Cả
nhân loại là một gia đình. Một bài giảng mang tính cách mạng! Không khó hình
dung giới cầm quyền đã trông chừng Giê xu. Việc này là tội điểm thứ hai và hồ
sơ kết tội ông lại dài thêm.
Xung đột lần ba được kể lại trong Phúc Âm của Luke. Giê xu không bao giờ
thuyết giảng để bảo mọi người phải nghĩ gì. Giống các nhà tiên tri của Israel, ông
chỉ kể các câu chuyện khiến mọi người tự suy ngẫm. Có lần, một người nghe đã
nhờ ông nhắc lại những điều răn quan trọng nhất trong luật Do Thái. Giê xu đáp
lời: ngươi phải hết lòng, hết tâm ý, hết sức lực mà kính yêu Chúa. Đó là nội dung
Điều răn thứ Nhất. Thứ hai là yêu thương những người lân cận như yêu thương
chính bản thân. Người kia đáp: đúng thế rồi, tuy nhiên người lân cận với tôi là
những ai? Giê xu đưa ra dụ ngôn về người Samari Nhân lành thay cho câu trả lời.
Dụ ngôn kể rằng một người nọ rơi vào tay bọn cướp, bị chúng lột trần, đánh
đến bất tỉnh rồi quẳng lại trên một con đường hoang vu, nguy hiểm. Một tu sĩ
cùng với phụ tá đi ngang qua. Cả hai đều là người tốt và muốn giúp người đang
gặp nạn kia nhưng tôn giáo của họ lại không cho phép. Người nằm bên vệ đường
có thể đã chết, mà theo tôn giáo của họ thì việc chạm vào xác chết sẽ khiến họ bị
ô uế. Rồi người này có thể thuộc một chủng tộc mà dân Do Thái không được
phép giao thiệp, thế nên việc đụng đến anh ta sẽ làm họ bị dơ bẩn. Thế là cả hai