thiết lập một đô thị phòng ngự vững chắc và tổ chức huấn luyện quân sự; điều
này gọi nhớ việc các tôn giáo mới thường phải tự bảo vệ mình khỏi sự áp bức của
tôn giáo mà họ đã ly khai ra sao. Người Sikh từ ấy trở thành các chiến binh huyền
thoại và sở hữu tinh thần thượng võ oai hùng còn vang danh đến ngày nay.
Sikh giáo đưa ra năm đặc trưng chính đều bắt đầu bằng chữ K nên được gọi
là Ngũ K. Kesh nghĩa là không cắt tóc, cạo râu. Người Sikh để râu, tóc mọc dài
như một dấu hiệu của lòng trung thành với đạo. Đàn ông đội khăn turban để giữ
tóc gọn gàng, còn phụ nữ có thể đội turban hoặc dùng khăn choàng. Khanga là
cái lược, biểu tượng cho sự thanh khiết và được gắn vào mái tóc dài của người
Sikh. Kara là một cái vòng kim loại đeo ở cổ tay, tượng trưng cho sự vô hạn của
Chúa. Kirpan là thanh kiếm ở ngang hông có quai đeo trên vai. Nó không chỉ
nhắc các tín đồ Sikh giáo về lịch sử đấu tranh của họ mà cả nghĩa vụ chiến đấu vì
công lý. Chữ K thứ năm là Kaccha, quần lót của binh lính, như một sự nhắc nhở
về sự cần thiết của tinh thần tự giác giữ kỷ luật.
Không như Kitô giáo và Hồi giáo, Sikh giáo không phải là một tôn giáo
muốn bành trướng. Họ giống Do Thái giáo ở chỗ tôn giáo của họ vừa là tín
ngưỡng vừa là bản sắc của một dân tộc. Họ vừa vui lòng tiếp nhận những ai
muốn cải đạo sang đạo của họ, vừa không băng sông vượt biển để săn đuổi những
tín đồ mới. Lý do là không như các tôn giáo tự coi mình là con đường duy nhất
dẫn đến sự cứu rỗi được Chúa ban phép, người Sikh tin rằng có nhiều con đường
để đến với Chúa. Qua đó, họ cũng cho thấy tinh thần rộng lượng vốn đặc trưng
cho cả nền tâm linh Ấn Độ, trái ngược với sự bất dung thứ thường đi kèm với đạo
Kitô giáo ở hương Tây. Nhân đây, ta hãy tạm rời đất Ấn, quay về nước Anh để
xem các cuộc chiến Kháng Cách đã diễn ra ác liệt thế nào ở đó vào cuối thế kỷ
16.