Bà học hành chăm chỉ, yêu động vật, nhất là chó. Bà sống một đoạn đời
thoải mái và an toàn. Thế rồi các mất mát lại đến.
Bố chồng của bà là vua Henry II của Pháp sớm qua đời năm 1559. Francis
và Mary trở thành vua Francis II và hoàng hậu của nước Pháp. Một năm sau, mẹ
bà là Hoàng hậu nhiếp chính của Scotland cũng qua đời; sáu tháng sau, chồng bà,
vua Francis II cũng mất. Mười tám tuổi, Mary thành trẻ mồ côi và quả phụ cùng
một lúc. Đức tin Công giáo mà bà được truyền thụ từ thuở nhỏ đã giúp bà trụ
vững qua nỗi đau. Bà cũng mang theo đức tin ấy khi trở lại Scotland để chính
thức trở thành Nữ hoàng trị vì quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm bà ở Pháp
thì hầu hết dân Scotland đã cải sang đạo Tin Lành. Họ sẽ phản ứng ra sao với Nữ
hoàng theo Công giáo của mình?
Bà đặt chân lên mảnh đất quê hương vào ngày 19 tháng Tám năm 1561. Khi
đang sửa soạn cho đêm đầu tiên trong cung điện của mình ở cuối phố Royal Mile
ở Edinburgh, bà nghe thấy tiếng hát bên ngoài cửa sổ. Đó không phải là bữa tiệc
chào mừng bà trở về mái ấm bằng các bài hát cổ của Scotland. Đó là một nhóm
người biểu tình cảnh cáo bà bằng các bài thánh ca mới của họ. Thông điệp của họ
là: Hãy cẩn thận đường đi nước bước. Pháp, đồng minh cũ của Scotland, có thể
vẫn theo Công giáo nhưng Scotland giờ đã theo Tin Lành rồi. Thế nên hãy cẩn
thận, bà nữ hoàng Công giáo kia! Đây quả là điềm xấu báo hiệu các rắc rối cho vị
nữ hoàng trẻ tuổi. Thủ lĩnh của nhóm biểu tình ca hát kia là một người đàn ông
thấp bé với bộ râu dài tên là John Knox.
Phong trào Kháng Cách vào đến Scotland khá muộn. Chuyện bắt đầu khi
một thanh niên tên Patrick Hamilton mang các tư tưởng Tin Lành về đây sau thời
gian học hành ở châu Âu. Ngày nay, tại thành phố St Andrews, bạn vẫn có thể
thấy nơi Hamilton bị Giáo hội Công giáo thiêu sống năm 1528. Trong buổi xử tử
được tiến hành rất vụng về đó, cần đến sáu giờ đồng hồ thì họ mới làm Hamilton
chết hẳn. Tuy nhiên, phải đến cái chết của vị tử đạo tiếp theo tại phố St Andrews
là George Wishart mới làm bùng lên ngọn lửa cuối cùng thiêu trụi Giáo hội Công
giáo ở Scotland. Wishart là một người tử tế, từng lấy những tấm trải giường của
mình cho người nghèo ở Cambridge khi ông còn học ở đó. Lòng tốt đó cũng
không ngăn được việc Giáo hội cho bắt ông vì mang tư tưởng Kháng Cách. Năm
1546, ông cũng bị thiêu sống trên cọc gỗ trong khi Hồng y Beaton, người đứng