Henry cần phải ly dị; nếu Giáo hoàng không hoặc không thể chấp thuận điều đó
thì ông sẽ phải tìm một người khác có thể làm việc ấy. Thế nên ông tách khỏi
Rôma, khai sinh ra Giáo hội Anh. Dù nguồn gốc mang tính thỏa hiệp, họ vẫn
nghĩ mình là một dạng trung lập giữa hai phía cực đoan, tức là theo Trung Đạo.
Vẫn là Giáo hội Công giáo đó thôi, nhưng khuôn mặt thì sạch sẽ hơn.
Henry ly dị thành công nhưng vẫn không hạnh phúc. Anne Boleyn cũng
không sinh được con trai cho ông, dù bà đã sinh được một bé gái. Vậy là lời
nguyền vẫn tiếp diễn. Henry vu tội ngoại tình cho Anne và đem bà ra xử tử. Sau
đó, ông cưới Jane Seymour, người hạ sinh được cậu con trai ông hằng mong, đặt
tên là Edward. Khi Henry mất năm 1547, cậu bé Edward chín tuổi lên kế vị cha.
Trong thời trị vì ngắn ngủi của Edward, những cải cách của Giáo hội Anh
được củng cố hơn nữa. Tuy nhiên, khi ông băng hà năm 1533, con gái của
Catherine xứ Aragon là Mary lên kế vị thì nền chính trị tôn giáo nước Anh lại
xoay sang một hướng khác. Vị thế của Giáo hội Công giáo được khôi phục và Nữ
hoàng Mary tiến hành trả thù những người đã hại cuộc đời mẹ mình. Mary hăng
hái bức hại cộng đồng Tin Lành, ra lệnh thiêu sống nhiều kẻ trong số đó vì tội dị
giáo, dẫn đến một biệt danh về sau của bà là Mary Khát máu.
Mary mất năm 1558 và con tạo lại xoay vần. Kế vị bà là con gái của Anne
Boleyn là Elizabeth và trị vì cho đến năm 1601; bà đã đem lại hòa bình và ổn
định cho vương quốc. Trớ trêu là người con gái mà vua Henry VIII không mong
muốn đó lại trở thành một trong những vị quốc vương thông thái nhất trong lịch
sử nước Anh. Bà ấy đã bình ổn lại đất nước và hoàn tất cuộc canh tân Giáo hội.
Tuy thế, bà cũng có thể tàn nhẫn y như cha mình. Năm 1587, bà xử chặt đầu Nữ
hoàng Mary xứ Scotland, cũng là em họ của bà, vì âm mưu chiếm ngai vàng.
Buổi hành hình đó phải cần đến ba nhát rìu mới làm rơi đầu Mary được, một kết
cục bi thảm cho một cuộc đời bất hạnh. Để hiểu tại sao chuyện đó xảy ra, ta phải
đi lên phía Bắc đến Scotland, nơi cuộc Cải cách đi theo một bước ngoặt rất khác.