Điều cần lưu ý ở đây là sự chia tách trên không phải do các nhà kháng cách
kêu gọi thành lập một Giáo hội mới gây ra, mà do vua nước Anh muốn có vợ
mới. Dĩ nhiên, khi ấy nước Anh cũng có tín đồ Tin Lành, một trong số họ còn
làm cố vấn trưởng cho nhà vua, Thomas Cromwell, dù ít có khả năng Henry biết
sự đồng tình này của Thomas. Vậy là từ một tình huống rối ren như thế đã sinh ra
một Giáo hội Anh tự nhận là vừa theo Công giáo, vừa theo Cải cách, tuy giống
mà lại khác. Họ vẫn giữ hệ thống thứ bậc cũ gồm các giám mục, linh mục và phó
tế; vẫn nhận mình nằm trong dòng kế vị tông đồ. Họ giữ hầu hết lịch lễ và kiêng
cữ cũ trong cuốn Kinh Cầu nguyện mới, qua đó người Anh có thể thờ Chúa với
một phiên bản sách kinh bằng chính ngôn ngữ của họ. Họ không phải là một Giáo
hội mới hay thậm chí một kiểu Giáo hội khác. Đó chỉ là Giáo hội Công giáo với
một bộ mặt sáng bóng, sạch sẽ.
Tuy vậy, đó là cách họ muốn nói về mình. Nguồn gốc hình thành của họ
không được trong sạch đến thế. Chính chuyện chính trị hoàng gia chứ không phải
thần học cải cách đã khiến nước Anh tách khỏi Giáo hội Công giáo cũ. Tuy thế,
phong trào cải cách ở nước Anh đã minh họa một khía cạnh khác của tôn giáo mà
ta đáng suy ngẫm: tôn giáo thường không tránh khỏi việc bện xoắn với chính trị
thế tục. Từ “chính trị” trong tiếng Anh (politics), có gốc từ tiếng Hy Lạp nghĩa là
“thành phố”, là một thuật ngữ ngắn gọn để chỉ cách con người tổ chức cuộc sống
cộng đồng, với mọi căng thẳng và bất đồng liên quan. Chính trị lan tỏa vào mọi
thứ, từ cuộc cãi vã trong sân trường đến các cuộc tranh biện ở Liên Hợp Quốc.
Và ngay từ đầu, tôn giáo đã luôn là một phần trong chính trị. Ta thậm chí có
thể nói bản thân mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người cũng là một loại
chính trị vì nó liên quan đến việc tìm hiểu xem bên này liên quan với bên kia như
thế nào. Tôn giáo là một phần của chính trị thế tục ngay từ thuở đầu. Rõ ràng
cũng có cả chính trị bên trong tôn giáo, như các mối bất đồng về việc ai nên lãnh
đạo tôn giáo và làm sao chọn ra được vị đó.
Nhưng điều thật sự nguy hiểm sẽ xảy ra khi tôn giáo trở thành một thứ vũ
khí trong cuộc tranh chấp giữa các thế lực chính trị đối địch mà ai trong đó cũng
tuyên bố rằng Chúa đứng về phía họ. Vì thế, ta cần phải nhìn nhận cuộc Kháng
Cách như là một phong trào mà trong đó, ta không thể tách rời tôn giáo khỏi
chính trị đương thời, cụ thể là tại nước Anh. Vì sự an nguy của vương quốc, vua