nó đến từ những tầng sâu thẳm trong trí tưởng tượng của chính ta. Hoàn toàn là
một sản phẩm do con người tạo ra.
Bạn có thể chọn dừng ở cách lý giải đó hoặc chấp nhận phần lớn mô tả đó
và vẫn bước qua ý tưởng Hai Cửa. Nếu giữ nguyên mọi trải nghiệm tôn giáo từ
khía cạnh con người thì ta cũng có thể tin trải nghiệm đó đến từ Đức Chúa Trời.
Sở dĩ chúng ta không nghe được lời phán mà Moses nghe thấy là vì trong trường
hợp này, tâm thức của Đấng ấy chỉ giao tiếp trực tiếp với tâm thức của Moses mà
thôi. Ta không thấy và không nghe được nhưng đó vẫn là một sự kiện gặp gỡ đích
thực đối với một thực thể khác. Ta không hoàn toàn hiểu được sự kiện nhưng ta
vẫn trông thấy kết quả của nó.
Và cách lý giải Hai Cửa có thể phát triển thêm một hướng nữa. Ta biết người
gặp gỡ người hằng ngày còn dễ có hiểu lầm đến thế nào nên ta thấy cần cẩn thận,
nghi ngờ và dè dặt khi nghe những lời tuyên bố rằng họ đã gặp gỡ Thiên Chúa.
Điều này có nghĩa là ta nên vận dụng năng lực phản biện của mình đối với những
tuyên xưng tôn giáo chứ không chỉ tiếp nhận chúng đúng như những gì chúng tự
nhận.
Vậy bạn có thể là người không có đức tin, một tín đồ thực thụ hoặc một tín
đồ phản biện. Khi bạn ngẫm nghĩ về những vấn đề này qua nhiều năm, có thể bạn
sẽ thay đổi từ lập trường này sang lập trường khác, như nhiều người đã trải qua.
Tôi sẽ để bạn tự quyết định cách nào là tốt nhất để lý giải các câu chuyện bạn sẽ
đọc được trong sách này. Hoặc cứ để cho vấn đề là bất định cho đến tận trang
cuối cùng. Thậm chí bạn có thể quyết định là không quyết định gì cả, một quan
điểm theo thuyết “bất khả tri”, từ tiếng Anh là agnosticism vốn bắt nguồn từ một
từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “không thể biết được”.
Đến đây chứng ta đã và đang nói về tôn giáo một cách chung chung nhất.
Giờ đã đến lúc xem xét từng tôn giáo cụ thể. Câu hỏi thú vị ở đây là ta nên bắt
đầu từ đâu, vì đó cũng là thứ tự mà ta sẽ đi theo. Không giống như lịch sử khoa
học hay triết học, nói về các tôn giáo mà theo thứ tự thời gian chặt chẽ thì sẽ
không ổn chút nào. Các sự kiện khác nhau diễn ra ở các nơi khác nhau trong cùng
một thời điểm, vậy nên ta không thể đi theo một đường phát triển liên tục. Chúng
ta sẽ phải đi ngoắt ngoéo chữ chi theo cả thời gian và địa lý.