Trong Hindu giáo, điều đó gọi là nghiệp (karma) hay là luật về nghiệp báo.
Phạm vi của luật đó không chỉ trong cuộc đời mà bạn đang sống. Theo giáo lý
Hindu giáo, linh hồn hay thể tâm linh của bạn đã trải qua nhiều kiếp trong quá
khứ trước khi bạn đi vào cuộc đời hiện tại này. Và bạn sẽ còn sống tiếp nhiều
kiếp nữa trong tương lai sau khi kiếp này kết thúc. Mỗi kiếp đó là do những điều
bạn đã làm trong kiếp trước và trước nữa, ngược về xa xưa, quyết định. Cũng như
vậy, cách bạn đang hành xử hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bạn sẽ trải qua ở
kiếp kế tiếp.
Khi các vị tiên tri và hiền triết của Ấn Độ dõi nhìn vào xa xăm và tự hỏi điều
gì xảy đến với con người sau cái chết, họ đã nhận được một câu trả lời xuất
chúng. Con người không chết, không theo nghĩa chấm dứt tồn tại hoàn toàn hay
đi tiếp đến một dạng sống khác vượt ra ngoài cái chết. Họ chỉ quay lại Trái đất ở
một dạng sống khác do nghiệp của họ chi phối. Và nó có thể không phải là con
người. Toàn thể sự sống giống như một nhà máy tái chế vĩ đại, chất lượng của cái
đi qua cửa Tử sẽ ảnh hưởng đến địa vị của cái thoát ra từ cửa Tái sinh bên kia.
Tên của nhà máy này là vòng luân hồi (samsãra), tức lang thang trôi nổi, vì các
linh hồn cứ nương theo đó mà đến hình hài kế tiếp và tiếp nữa. Từng hành động
ta làm trong kiếp này, cả tốt và xấu, cứ thế tác động đến chất lượng của kiếp sống
kế tiếp. Không chỉ cố con người mới mắc kẹt trong vòng luân hồi. Bản thân thế
giới cũng theo quy luật chết và tái sinh như thế. Ở cuối vòng luân hồi hiện tại sẽ
là một trạng thái ngơi nghỉ tĩnh lặng để rồi đến lúc chín muồi, linh hồn lại được
triệu hồi vào cuộc hiện sinh. Cứ vậy mà bánh xe luân hồi cứ xoay, xoay và xoay
thêm nữa.
Nhưng các vị hiền triết không nghĩ nghiệp như một sự trừng phạt đến từ
đấng siêu nhiên nào đó chuyên giám sát các linh hồn. Nghiệp là một quy luật
khách quan như định luật hấp dẫn, theo đó thì thứ này đến từ một thứ khác, như
kết quả theo sau nguyên nhân, như chạm một quân domino và cứ thế nhìn các
quân khác đổ rạp. Trong lúc lang thang trôi nổi trong vòng luân hồi, linh hồn có
thể trải qua lần lượt tám triệu kiếp khác nhau trước khi đạt tới cái gọi là sự giải
thoát (moksha), tức được giải phóng khỏi hiện hữu, hòa vào vĩnh cửu như một
giọt mưa rơi xuống đại dương. Và làm sao để thoát khỏi vòng quay vô tận của
luân hồi và đạt đến một sự cứu rỗi là mục đích tối hậu của Hindu giáo.