Họ quyết định tuyên chiến. Khoa học không làm họ buồn, cũng không khiến họ
suy nghĩ. Nó chỉ khiến họ nổi giận! Và cơn giận dữ ấy là thành phần chính trong
chủ nghĩa cơ yếu. Để hiểu được chủ nghĩa này, bạn phải cảm được trạng thái
hung nộ và phiền muộn đã gây ra nó.
Bạn đã bao giờ nổi nóng vì một thiết bị điện tử bị trục trặc và chỉ muốn ném
phắt nó vào góc phòng? Bạn có bao giờ thấy một vận động viên quần vợt ném
vợt trên sân như thể tại cây vợt mà anh ta đánh bóng hỏng chưa? Cuộc sống
không ngừng thay đổi, buộc ta phải ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Một số
người đối phó với các thay đổi đó giỏi hơn những người khác. Một số dễ dàng
thích ứng với các thách thức mới. Chúng ta gọi họ là những người “thích nghi
nhanh”. Họ háo hức được cầm trên tay mẫu điện thoại hay máy tính bảng mới
nhất. Những người khác thì điều chỉnh một cách miễn cưỡng hơn, có người còn
từ chối không thích nghi gì cả. Họ ghét thay đổi và giận dữ chiến đấu để cưỡng
lại các thay đổi. Nhất là khi sự đổi mới ấy thách thức các niềm tin vốn là thiêng
liêng đối với họ! Khoa học là nhân tố thay đổi vĩ đại nhất trong thời hiện đại; vì
thế, khoa học trở thành mục tiêu tấn công của các tín đồ hung hăng nghĩ rằng nó
đang phục kích họ. Sự hung hăng ấy bùng lên sôi sục ở nước Mỹ trong khoảng từ
năm 1910 đến năm 1925. Chính thuyết tiến hóa của Darwin đã khởi đầu cuộc
chiến ấy.
Chướng ngại đầu tiên chống lại thuyết tiến hóa là một loạt các cuốn sách
nhỏ do một nhóm tự xưng là Hiệp hội Cơ yếu Kitô giáo Thế giới ấn hành. Chủ
nghĩa Cơ yếu là các nền móng rất vững chắc. Nếu bạn dựng nhà trên đó thì cả
cơn lũ thời gian cũng không quét nó đi được. Với các tác giả của cuốn sách nhỏ
nói trên thì nền móng của Kitô giáo chính là chân lý không thể sai lầm trong Kinh
Thánh. Thiên Chúa đã phán bảo từng lời trong ấy và Ngài không mắc sai lầm.
Mọi thứ trong Kinh Thánh đều đúng, lời của chính Đức Chúa nói vậy. Lời nào
của con người trái với lời Chúa trong ấy đều sai cả. Darwin đã nói trái, do vậy
Darwin sai rồi!
Các phần tử cơ yếu không cố gắng bác bỏ khoa học, cũng chẳng muốn tranh
luận. Họ chỉ tuyên bố chống lại khoa học! Điều này tương đương với việc một
bậc phụ huynh áp đặt quan điểm với con cái bằng cách la lên: “Vì tao nói thế
đấy”. Tôn giáo theo trường phái cơ yếu cũng làm y hệt. Họ phản bác không qua