bằng chứng mà bằng thẩm quyền. Tại sao Darwin lại sai? Vì Kinh Thánh nói thế!
Nhưng họ không chỉ hạ lệnh kiểu bề trên, giáo điều. Họ còn cố cấm đoán khoa
học. Khi ấy, khoa học mới bắt đầu phản công.
Trước các cuộc biểu tình giận dữ của các Mục sư Kitô, năm 1925, chính
quyền bang Tennessee ra luật cấm giảng dạy thuyết tiến hóa trong các trường học
của bang. Bạn sẽ vi phạm pháp luật và chịu hình phạt nếu giảng dạy “bất cứ lý
thuyết nào phủ nhận câu chuyện Sáng tạo Thiêng liêng tạo nên con người mà
Kinh Thánh đã răn bảo, thay vào đó xác nhận rằng con người vốn bắt nguồn từ
một loài vật hạ đẳng hơn”. John Thomas Scopes, một giáo viên trẻ dạy khoa học,
đã quyết định thách thức điều luật đó. Anh bị bắt giữ vì dạy thuyết tiến hóa cho
các học trò. Kế hoạch của anh là tận dụng ca tố tụng này để chứng minh việc bác
bỏ thuyết tiến hóa bằng cách viện dẫn Sách Sáng thế là ngớ ngẩn như thế nào.
Được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ bảo trợ và luật sư Clarence Darrow biện hộ, vị
luật sư nổi tiếng nhất nước Mỹ lúc đó, vụ xử Scopes này còn được biết đến với
tên gọi khác là Phiên tòa Khỉ vì nó gắn liền với tuyên bố của Darwin cho rằng
loài người có nguồn gốc từ vượn. Cuối cùng, Scopes bị kết án có tội và phải nộp
phạt 100 đô la. Trong quá trình bào chữa, Darrow đã chỉ ra các điểm mâu thuẫn
trong lập luận của phe chủ nghĩa cơ yếu và chứng minh rằng người phát ngôn của
bên đó còn không biết mình đang nói gì. Scopes thua kiện nhưng Darrow đã
thắng cuộc biện luận. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 1968 thì Tòa án Tối cao Hoa
Kỳ mới ra lệnh phủ quyết luật cấm giảng dạy thuyết tiến hóa trong trường học.
Phiên tòa xử Scopes cho thấy các kiến thức mới có thể kích động cơn thịnh
nộ của phe cơ yếu ra sao. Họ nói chung đều không thích lịch sử cũng như các
thay đổi mà lịch sử mang lại. Họ thích đập gãy vợt trên sân hơn là phản hồi lại
những cái sắp xảy đến với họ trong tương lai. Họ chỉ muốn quá khứ. Họ kêu gào:
“Tại sao mọi người cứ đem tương lai ra vậy?” Chủ nghĩa cơ yếu như một cơn ăn
vạ. Thét lên từng cơn, từ chối chấp nhận các thực tại mới.
Nhưng nếu sự thay đổi của khoa học và các kiến thức mới mà nó mang lại
đã là khó chấp nhận với những đầu óc cơ yếu thì sự thay đổi trong cách điều hành
xã hội còn làm họ khó chịu hơn nữa. Trong thời đại chúng ta, thay đổi từ phía xã
hội đã kích động chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo nhiều hơn là những áp lực từ khoa
học. Ở một vài hình thức cơ yếu, họ không chỉ nổi giận mà còn trở nên bạo lực.