Abraham run rẩy trong con chấn động và hạ con dao xuống. Rồi ông chọt thấy
một con cừu đực đang mắc sừng vào một bụi cây gần đó. Trong cơn vui mừng
được giải thoát, ông liền ra tay cắt cổ con vật và dùng nó dâng lên bệ thờ Đức
Chúa Trời thay cho con trai. Câu chuyện không cho ta biết Isaac thấy sao về cảnh
tượng hãi hùng đêm đó, nhưng nó cũng không khó tưởng tượng cho lắm.
Chúng ta biết rằng việc hiến tế người đã từng diễn ra trong một số tôn giáo
cổ xưa. Cũng không khó để hiểu vì sao chuyện đó diễn ra. Một khi con người
thuở ban sơ đã xem các vị thần như những bậc cai trị khó đoán và phải được phục
tùng, họ ắt sẽ kết luận rằng ngoài những con vật béo tốt nhất, việc thỉnh thoảng
hiến tế người thật ra có thể đem đến cho họ đặc ân nào đó. Tàn dư của lịch sử ác
nghiệt như vậy có lẽ đã được phản ánh trong câu chuyện về Abraham và Isaac.
Thế nhưng đó lại không phải là cách diễn dịch câu chuyện trong Do Thái giáo,
Kitô giáo và Hồi giáo truyền thống. Với họ, đó là đoạn trích trọng yếu của đạo và
nó minh họa cho sự khuất phục hoàn toàn trước ý nguyện của Đức Chúa Trời,
vượt lên mọi ràng buộc trần tục. Có thể ngày nay ta sẽ đánh giá một người là bị
điên khi ông ta nói rằng Đức Chúa Trời bảo ông phải giết con trai, kể cả ông ta có
dừng tay vào phút chót đi nữa; điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta nên kết
luận mọi tôn giáo đều điên loạn. Nhưng sẽ khôn ngoan nếu ta đặt dấu chấm hỏi
đằng sau một số tuyên bố kèm theo những câu chuyện kể của tôn giáo. Như ở
đây, ta đã nhận ra mối nguy từ xu hướng trao quá nhiều quyền năng cho lời phán
bảo của Đức Chúa Trời trong tâm trí con người. Ở đây, mối căm ghét của
Abraham dành cho các ảnh, tượng thánh chính là một chỉ dẫn đáng giá.
Ta đã lần theo quan điểm muốn gạt bỏ các bức ảnh và tượng thần của
Abraham vì ông cho đó chỉ là sản phẩm của con người nên việc đem ra thờ phụng
chúng là nực cười. Nhưng chẳng phải các ý niệm của chúng ta về Đức Chúa Trời
cũng là một sản phẩm của con người ư? Có thể ta không dùng tay tạo tạc ra các ý
niệm đó từ gỗ và đá, nhưng ta đã tạo ra chúng trong tâm trí mình bằng các từ ngữ
và ý tưởng. Vì vậy, ta nên thận trọng với các tuyên bố dành cho những ý niệm ấy.
Ta đã thấy một số tuyên bố như vậy có thể nguy hiểm đến thế nào. Ý tưởng cho
rằng các vị thần có thể muốn ta hiến tế con cháu mình phần nào thể hiện tôn giáo
có thể là một lực lượng thù địch với nhân loại. Thử thách của Đức Chúa Trời
dành cho Abraham chứng tỏ: con người có thể thuyết phục chính mình làm hầu
như bất cứ điều gì miễn là họ nghĩ mệnh lệnh đến từ “trên kia”. Và thực tế, hầu