Tại Sài Gòn, người trong thương giới viết nhiều bài viết bày tỏ niềm xót
thương cho sự ra đi của một nhà giáo dục - nhà cách mạng của dân tộc.
Thương giới từ lâu đã coi cụ là một đồng nghiệp, là người thầy dẫn đường
chỉ lối. Các nhà buôn Sài Gòn viết báo chia sẻ về nỗi buồn chung này, đồng
thời đã đóng cửa ngừng buôn bán một ngày để bày tỏ lòng tiếc thương chí
sĩ họ Lương.
Hậu thế nhìn lại...
Ngày nay, khi nhắc tới Lương Văn Can, hậu thế đã công nhận cụ là một nhà
trí thức lớn trong thời thuộc địa. Cụ là một trong những nhà tri thức có công
lớn trong phong trào Duy tân - Đông du. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ đã
nhanh chóng đổi mới về hệ tư tưởng, không ngừng học hỏi để trở thành một
tri thức tiến bộ, một trong những người có khả năng dẫn dắt tư tưởng cho
quần chúng qua việc viết sách và giảng dạy tại Đông Kinh Nghĩa Thục. Với
phong trào Duy tân của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các nhà nho đã hô
hào dân chúng đổi mới tư duy, trú trọng thực nghiệp, cổ vũ cho phong trào
làm giàu nhờ buôn bán, sản xuất... Để cổ vũ cho nghề kinh doanh buôn bán,
cụ cử Can đã từng phát biểu: “Việc buôn bán quan hệ tới sự thịnh suy của
quốc dân”.
Cái tên Lương Văn Can được xếp trang trọng cùng những nhà trí thức lớn
thời đó như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Nhắc đến danh sĩ họ Lương,
tức là nhắc đến một nhà trí thức yêu nước, một nhà giáo giàu tâm huyết và
đồng thời là một nhà kinh doanh có đạo. Cụ cũng là người đầu tiên viết
sách dạy buôn bán cho thương giới Việt, đặt những viên gạch đầu tiên cho
một đạo kinh doanh trong thời điểm vừa mới hình thành và chập chững hội
nhập với tư bản thế giới. Không chỉ viết sách để góp phần “khai dân trí”
cho thương giới, cụ cử Can đã trực tiếp kinh doanh, buôn bán, để thực thi
cái đạo kinh doanh mà cụ dày công nghiền ngẫm - kinh doanh để phụng sự
tổ quốc, mà đến nay, nhìn rộng hơn, kinh doanh là phụng sự xã hội.