Song, ngược lại với những gì chính quyền Pháp hình dung, tin cụ cử Lương
tạ thế đã nhanh chóng lan ra khắp Hà Thành.
Vào 5 giờ 30 cùng ngày, một cỗ xe thiên cổ tứ mã lăn bánh, 4 danh sĩ là cụ
Hoàng Tăng Bí, Ngô Đức Kế, Lê Đại và Nguyễn Triệu Trung cầm 4 dải tua
rua đi hai bên. Các môn sinh đã tụ họp rất đông đảo đi sau linh cữu. Đám
tang càng đi xa thì càng nhiều quần chúng nhân dân hòa vào dòng người
đưa tiễn. Có thảy gần 1.000 người đưa cụ tới nơi an nghỉ là khu nghĩa trang
Hợp Thiện (Bạch Mai), trong khi đó thực dân pháp đã cho một đội binh lính
hộ tống đám tang, với danh nghĩa là giữ trật tự. “Đám tang cụ Cử tuy sơ sài
mà có vẻ đặc sắc long trọng hơn, vì các viên thám tử Tây, Nam đi theo giữ
trật tự rất nhiều, khiến cho đám đi càng được thêm lắm vẻ oai nghiêm.” [3]
Và để tỏ lòng kính trọng trước sự ra đi của tên tuổi lớn, đám tang đã diễn ra
rất trang trọng và đầy cảm động: “...hồi 7 giờ rưỡi tối mới thành phần, ai
nấy đến trước mộ lạy từ vong hồn cụ rồi mới về. Bấy giờ bóng chiều bảng
lảng, hơi gió hây hây lại thêm bóng trăng tà chiếu vào đám cây xanh lưa
thưa nơi mộ địa, văng vẳng nghe xa xung quanh đồng ruộng nỉ non những
tiếng dế khóc giun rền, ai mà chẳng gợi mối sầu thương nhớ bậc lão thành
mới qua đời nằm đó.”[4]
[3] Trích bài “Cất đám cụ cử Lương Văn Can” - Hà thành ngọ báo số ra
ngày 14.6.1927.
[4] Trích bài “Cất đám cụ cử Lương Văn Can” - Hà thành ngọ báo số ra
ngày 14.6.1927.
Những ngày tiếp theo, báo chí trên cả nước đồng loạt đăng tải về sự ra đi
của cụ cử Can. Một phong trào để tang nhà chí sĩ yêu nước họ Lương được
tổ chức cả trong nam ngoài bắc, coi sự ra đi của cụ là cái tang chung cho cả
nước.