buôn đồi mồi, các đồ vặt, về Cao Man lại buôn lụa, buôn các vật dụng, làm
thuốc. Thế là cụ đã mở đường cho nhiều người Việt Nam trước kia sợ Cao
Man “ma thiêng nước độc”, bây giờ cũng bắt chước sang buôn bán, sau
này trở nên rất giàu có. Coi đó thì biết công của cụ không riêng ở phần
gốc, mà có cả ở phần ngọn, không riêng ở chánh giới, mà có cả ở thương
giới nữa. Vậy trong nhà buôn ta, đối với Lương tiên sinh, không những kính
mến cụ về lòng yêu nước thương nòi của cụ mà lại phải biết ơn cụ đã chỉ
đường cho ta buôn bán tại các xứ xa xôi...”.
Bài viết ngắn, lại xuất hiện vào một thời điểm không thuận lợi của phong
trào cách mạng, nhất là những nhà buôn lúc bấy giờ luôn chỉ muốn “hai chữ
bình an”, tất nhiên đã gây một hiệu ứng xã hội khá lớn. Người thương gia
kinh doanh ở khu vực đường d’Espagne ở Sài Gòn xưa đã nói lời cảm ơn
những đóng góp mà người thầy này đã mang đến cho cộng đồng nhà buôn
Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ Nguyễn Hiến Lê sau này, trong tập sách “Đông
Kinh Nghĩa Thục” đã bình chú thêm về bài báo này như sau: Ta nhận thấy
cụ Lương quả có tinh thần mới, trọng thực tế, biết kinh doanh. Các cụ khác
(các nhà nho cùng thời) bị an trí thì chỉ làm thuốc, dạy học hoặc làm ruộng,
chứ không ai làm kinh doanh như Cụ. Ta nên nhớ nhà nho vốn “ức thương”.
Nhiều người cũng hẳn đã thắc mắc, sản nghiệp mà cụ Can đã gầy dựng to
lớn đến chừng nào? Xin thưa, đã không có tiền muôn bạc vạn trong cuộc
đời của người thầy dạy kinh thương này. Vì hai lý do: cụ là người chỉ mở
đường và trực tiếp điều hành việc buôn bán một thời gian đầu sau đó
chuyển cho con cháu trông coi để tiếp tục công việc dạy học yêu thích của
mình. Sau đó lại là việc cụ đau đáu trong lòng những trái tai gai mắt ngoài
xã hội, nên chỉ chuyên tâm tìm kiếm một giải pháp thay đổi xã hội và làm
cho nó tốt đẹp hơn. Những món tiền kiếm được lần luợt được dùng để xây
trường cho trẻ con có chỗ học, đắp đường cho người qua lại được thuận tiện
hơn, và phần lớn đều dành cho việc phụng sự tổ quốc.
Và nhiều người cũng hẳn đã thắc mắc, cụ dạy người làm kinh thương thì