phải biết phục vụ nhu cầu xã hội chứ không phải mang tiền nhà đi làm việc
nghĩa, và cớ sao cụ chẳng làm nghề buôn bán nào cho lâu dài?
Điều này, chính những người thực hiện tập sách cũng đặt dấu hỏi. Và lần
theo những dấu tích mà cụ còn để lại quá ít ỏi, qua hồi ức đứt đoạn của
những con cháu cụ đang sống ở phố Núi Trúc, Hà Nội; lang thang tận mãi
thư viện quốc gia Pháp, thì biết rằng sự nghiệp kinh doanh của cụ cử Can
nằm hết ở những cửa hàng vải vóc nức tiếng Hà thành lúc bấy giờ. Không
rõ là ba, bốn, năm hay sáu tiệm vải, vì những dữ liệu quý giá nhất đã tan
theo khói bụi của căn nhà ở Hàng Đào trong những cơn binh biến, phần thì
mớ sách của cụ bằng chữ nho đã bị người ngoài không đọc được se cả
thành bấc đèn. Chỉ góp nhặt và thưa chuyện cùng bạn đọc, rằng đầu thế kỷ,
đã có một người chăm lo cho nhu cầu vải vóc, ăn mặc của nhân dân thì quả
là đáng quý. Ấy là cái lõi của nghề buôn (nghề kinh doanh) mà Lương Văn
Can đã tìm ra vậy!
Đọc lại Thương học phương châm, mới hay bản sách cổ mà từ cách đây
non một trăm năm, cái thời ngăn sông cấm chợ, dân tình biết chữ chẳng là
bao, vậy mà trong lần in đầu tiên, nhà in Thụy Ký đã bấm máy cho ra 1.000
bản với lời ghi chú: bản quyền thuộc về ấn giả Lương Ngọc Biên. Rồi
những lần nối bản, tái bản tiếp theo, cùng với những bản chép tay trong thời
“đốt sách chôn nho”, mới biết là tư tưởng mà cụ gửi gắm đã lan đi rất xa
trong xã hội Việt thời loạn lạc ấy. Tiếc cho rằng hậu thế chúng ta chẳng có
mấy cơ hội được nhìn ngắm, cảm nhận cái không khí buôn bán thời ấy, bởi
những dấu xưa đã bị cố tình vùi trong quên lãng.
Mười bốn tháng tìm kiếm thông tin, không quá dài nhưng đủ để chúng tôi
nhận ra, cần phải làm một điều gì đó để mai sau người đời không quên lãng
những điều kỳ diệu của lịch sử.
Trong căn hộ rất nhỏ, một người cháu gần nhất của cụ cử Can buồn bã:
“Những gì chúng tôi biết về cụ nhà cũng chẳng là bao. Phần vì sinh kế nên