(8) Cách nhìn của giới văn sĩ, điện ảnh, truyền thông đại chúng... đối với
giới doanh nhân.
Ở Việt Nam, liệu có thể khẳng định kinh doanh là nghề cao quý?
Lần giở lại những trang sử của nước nhà để tìm kiếm những tư liệu, thông
tin về nghề kinh doanh Việt Nam là một hành trình đầy thử thách.
Một thời gian quá dài, tư tưởng “dĩ nông vi bản” bao trùm cả xã hội đã đẩy
nghề buôn bán trở thành một thứ “mạt nghệ”, những người kinh doanh ngày
xưa bị định danh chỉ là một “phường con buôn”.
Một thời gian quá lâu, tập sách “Thương học phương châm” của cụ Lương
Văn Can - tài liệu được xem là sách giáo khoa về kinh doanh đầu tiên của
Việt Nam đã bị cố tình quên lãng, vô tình bị se thành bấc đốt đèn trong
những khúc quanh buồn thảm của nghề kinh doanh.
Một thời gian quá rộng, cái nhìn thiên lệch vẫn ám ảnh xã hội về doanh
nhân là “một gã bụng to, mặt mày gian xảo, ngồi chễm chệ trên bàn nhậu,
tay ve vuốt cọc tiền và ánh mắt giảo hoạt đầy những toan tính bất chính”.
Một thời gian quá xa, những con người làm giàu chân chính bằng việc buôn
bán bị dán cho cái nhãn “giai cấp bóc lột”, “tư bản” cùng hàng loạt danh từ
tiêu cực khác.
Cho đến một ngày, những bậc trí thức mà cả xã hội kính trọng từ Trường
Đông Kinh Nghĩa Thục (trong những năm đầu của thế kỷ trước) bước ra
phố và mở cửa hàng bán gạo, bước xuống mỏ để khai thác quặng hay bước
xuống thuyền để đi buôn vải...
Khoảng cách địa lý của “bước đi” này có thể rất gần, nhưng khoảng cách xã