Cuộc khủng bố trắng năm 1908 đã khiến Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự bị
tan vỡ. Sự đổ vỡ ấy kéo theo biết bao bi kịch: đó là cảnh bắt bớ, tù đày, đầu
rơi máu chảy. Những người không bị bắt thì cũng bị mật thám theo dõi. Một
không khí lo sợ, hoang mang bao trùm khắp Hà thành. Trong khi đó tháng
10.1908, Pháp đã bắt tay với Nhật và chính phủ Nhật đã giải tán tất cả các
du học sinh Việt Nam đang du học tại Nhật, trục xuất khỏi nước Nhật. Như
vậy, phong trào Đông Du đến thời điểm này cũng đã bị đàn áp.
Những chí sĩ trong phái Đông Du - bạo động của Phan Bội Châu sau khi bị
trục xuất khỏi nước Nhật, đã phải trôi dạt sang Quảng Đông, Trung Quốc,
tiếp tục con đường học tập, đấu tranh trong một hoàn cảnh hết sức khó
khăn. Lương Văn Can đã âm thầm kết nối với tổ chức này. Năm 1910 cụ
gửi hai thanh niên là Dư Tất Đạt (sau đổi tên thành Dương Quốc Uy) và
Lâm Đức Mậu. Đây là những hạt nhân quan trọng thành lập tổ chức Tâm
Tâm xã tại Quảng Châu năm 1923. Tổ chức này đã cử người về nước liên
lạc với Lương Văn Can để xây dựng cơ sở trong nước. Tâm Tâm xã ở nước
ngoài cũng đã làm được một số việc rất có ý nghĩa, như tổ chức ám sát toàn
quyền Đông Dương tại Sa Diện - dù việc bất thành nhưng Tiếng Bom Sa
Diện đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của người dân Việt; đào tạo
ra một thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn,
Hồ Tùng Mậu...
Trong những ngày tháng Hà Thành bị mật thám giăng lưới khắp nơi, các
hoạt động yêu nước chỉ được thực hiện một cách bí mật và cực kỳ khôn
khéo. Những đồng tiền tích cóp từ hoạt động kinh doanh của gia đình được
cụ gom góp lại thành từng món để gửi ủng hộ cho các tổ chức yêu nước. Đó
là hành động yêu nước rất thiết thực của cụ cử Can lúc bấy giờ. Những món
tiền lớn đã bằng nhiều con đường để đi sang Quảng Châu, tới tay các anh
em đang học tập và làm cách mạng, trong thời điểm đó vô cùng túng quẫn.
Những khoản chi viện của cụ như những cơn mưa trong mùa hạn. Sau khi
đưa hai thanh niên sang Quảng Đông, Lương Văn Can đã tìm cách gửi cho