Có thể thấy rằng, gọi là lăng, nhưng tất cả chỉ là những ngôi mộ đắp đất,
thể hiện đức tính kiệm ước của các vua và hoàng tộc nhà Lý, không cho
xây cất lăng mộ cầu kỳ tốn kém.
Theo lời truyền dặn của Lý Thái Tổ, chỗ táng các đời vua Lý không xây
lăng lớn mà chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên. Cũng giống như mộ
của các bậc tiên vương, mộ của Lý Chiêu Hoàng cũng đơn sơ, giản dị. Đến
đầu thế kỷ XVIII, nhà Hậu Lê cho trùng tu nơi thờ phụng của các vua Lý
trong đó có việc đắp lại toàn bộ lăng mộ vua Lý, mỗi lăng cao từ 15-20m
so với mặt ruộng. Tấm bia Cổ Pháp điện đạo bi có đoạn ghi rõ: "Dân nước
Nam phải đời đời ghi nhớ công đức triều Lý Bát đế, phải dựng lại miếu đền
thờ cúng."
* Ngoài lăng Lý Thái Tổ hình lòng chảo (còn gọi là Lăng Lòng Chảo),
các lăng khác đều xây hình chóp nón được gọi bằng các tên dân dã như
Lăng Cả (Lăng Lý Thái Tông), Lăng Hai (Lý Thánh Tông), Lăng Ông Voi
(Lý Nhân Tông)... Lăng mộ Lý Chiêu Hoàng được gọi là Lăng Cửa Mả.
Trải qua thời gian năm tháng, cây cỏ trên lăng đá lên xanh tươi tốt.
Ruộng đất thuộc khu Sơn Lãng còn ghi trong sách "Đại Nam nhất thống
chí" thời nhà Nguyễn: "... Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cây cổ thụ um
tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp của nhà Lý. Ruộng Sơn Lăng được coi
là ruộng công vĩnh viễn, giao cho dân xã sở tại chia nhau cầy cấy, nộp một
phần hoa lợi để chi phí vào việc thờ phụng các vua nhà Lý, sửa sang và bảo
vệ lăng tẩm. Dân Đình Bảng cho đến thời Lê vẫn được coi là dân thủ lệ,
chuyên việc thờ phụng các vị vua nhà Lý,được miễn đi lính và lao dịch...".
Tưởng chừng nơi yên nghỉ của Lý Chiêu Hoàng, nữ vương mà người đời
mỗi khi nhắc đến đều tỏ lòng kính trọng và thương xót cuộc đời cay đắng
của bà đã rõ ràng. Tuy nhiên một số tài liệu lại viết rằng mộ Lý Chiêu
Hoàng nằm bên Hồ Tây của đất Thăng Long xưa.