Trong bài viết "Rủ nhau chơi khắp Long Thành" của nhà văn, nhà nghiên
cứu Lý Khắc Cung có đoạn viết: "Đến quãng cách chợ Bưởi chừng 200m,
có một bãi rộng thuộc xóm Vạc, làng Yên Thái. Nơi đây, có một ngôi mộ
khá lớn. Năm 1936 được dân làng xây lên bằng gạch, quét vôi trắng, được
mọi người tới thắp hương. Các cụ già bảo đó là mộ Lý Chiêu Hoàng. Bên
cạnh mộ là những hàng cây cao vút xếp thành hàng. Vị nữ vương này còn
để lại dấu vết trong lòng dân".
Một tác giả khác là Huỳnh Vô Thường trong bài "Một chuyến hành
hương" cũng viết tương tự: "Trên một bãi hoang rộng thuộc xóm Vạc, làng
Yên Thái có một ngôi mộ khá lớn. Mộ được xây gạch bốn phía, quét vôi
trắng đã ngả màu và được nhân dân trong vùng đến thắp hương. Các cụ già
xưa truyền nhau đó là ngôi mộ Lý Chiêu Hoàng. Bên cạnh là những hàng
cây cao vút xếp thành hàng, phơ phất lá cành trong những đợt gió trang
nghiêm từ ngàn xưa thổi về...".
Tác giả Lý Khắc Cung trong cuốn sách "Hà Nội - Văn hóa và Phong
tục", một lần nữa ông lại nhắc đến ngôi mộ Lý Chiêu Hoàng, trong chương
II của cuốn sách có đoạn viết rằng: Một bên là Hồ Tây thơ mộng, một bên
là thành Đại La có ngôi mộ Lý Chiêu Hoàng rậm rạp cây cối. Mấy làng
Bưởi giấy nằm lọt thỏm vào giữa. Xung quanh có Văn Chỉ, vườn Bàng,
miếu Đồng cổ, miếu Thụy Chương, đền Voi Phục, chùa Thiên Niên...".
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng