Chương 7
XÉT THÊM VỀ Ý NGHĨA CỦA TIẾT KIỆM VÀ ĐẦU TƯ
I
Ở
chương trước, tiết kiệm và đầu tư đã được định nghĩa là cả hai tất yếu phải bằng nhau về mặt số lượng, bởi
vì đối với cộng đồng nói chung tiết kiệm và đầu tư chỉ là hai mặt của một vấn đề. Tuy nhiên, nhiều tác giả đương
thời (kể cả tôi trong cuốn Luận trình về tiền tệ) đã đưa ra những định nghĩa đặc biệt về những thuật ngữ này mà
theo đó cả hai không nhất thiết phải bằng nhau. Một số tác giả khác còn đưa ra nhận định là chúng có thể không
bằng nhau mà cũng chẳng mở đầu cuộc thảo luận của họ bằng bất kỳ một định nghĩa nào. Cho nên, sẽ là một điều
có ích (với mục đích gắn những điều nói trên với các cuộc thảo luận khác về hai thuật ngữ này) nếu xếp loại một
số định nghĩa của chúng xem chừng được nhiều người xác nhận.
Theo tôi được biết cho tới nay, mọi người đều đồng ý gọi tiết kiệm là phần dôi của thu nhập sau khi đã chi
cho tiêu dùng. Nếu không quan niệm như thế thì sẽ bị lầm lẫn và rất không thuận lợi. Về quan niệm tiền chi cho
tiêu dùng cũng không có sự bất đồng ý kiến nào quan trọng cả. Do đó, những sự khác nhau về cách dùng xuất phát
hoặc từ định nghĩa về đầu tư hoặc tự định nghĩa về thu nhập.
II
Chúng ta hãy xem xét trước vấn đề đầu tư. Theo cách dùng thông thường, đó là việc một cá nhân hoặc một
công ty mua sắm một tài sản, mới hay cũ. Đôi khi, thuật ngữ này còn bị giới hạn trong việc mua một tài sản tại Sở
giao dịch chứng khoán. Nhưng chúng ta chỉ nói ở đây vấn đề đầu tư, ví dụ, đầu tư vào một ngôi nhà, một cái máy,
một lô thành phẩm hay bán thành phẩm, và nói rộng hơn, tiến hành đầu tư mới, khác với tái đầu tư, có nghĩa là
mua sắm các tài sản dùng để sản xuất thuộc bất cứ loại nào lấy từ tiền thu nhập. Nếu chúng ta coi việc bán ra một
khoản vốn đầu tư là đầu tư âm, tức là giảm đầu tư (disinvestment), thì định nghĩa của tôi cũng phù hợp với ý nghĩa
thông thường vì sự trao đổi các khoản vốn đầu tư cũ sẽ tất yếu trung hoà cho nhau. Thực vậy, chúng ta phải điều
chỉnh để tạo ra và thanh toán các món nợ (kể cả những thay đổi về số lượng tín dụng và tiền tệ), nhưng vì đối với
toàn thể cộng đồng, việc tăng hay giảm lượng cho vay của chủ nợ phải luôn luôn ngang bằng với việc tăng hay
giảm lượng vay chung của con nợ, cho nên sự phức tạp này sẽ mất đi khi chúng ta đề cập tới số đầu tư tổng hợp.
Như vậy, khi cho rằng thu nhập, hiểu theo nghĩa thông thường, phù hợp với thu nhập ròng của tôi, số đầu tư tổng
hợp, theo nghĩa thông thường, sẽ trùng hợp với định nghĩa của tôi về đầu tư ròng (net investment), tức là phần
tăng ròng (net addition) cho tất cả các loại thiết bị sản xuất sau khi đã tính đến những thay đổi về giá trị của thiết
bị sản xuất cũ đã được tính vào thu nhập ròng.
Vì vậy, đầu tư theo định nghĩa như trên, bao gồm phần tăng thêm của tư liệu sản xuất, dù là vốn cố định, vốn
luân chuyển hay vốn dễ chuyển hoán; và những sự khác nhau đáng kể về định nghĩa (ngoài sự khác biệt giữa đầu
tư và đầu tư ròng) là do việc loại trừ khỏi đầu tư một hay nhiều loại vốn trên.
Ông Hawtrey, người chú trọng nhiều đến những biến động về vốn dễ chuyển hoán, tức là phần tăng (hay
giảm ngoài dự định trong số hàng hoá không bán được, đã đưa ra một định nghĩa về đầu tư mà theo đó những biến
động như thế bị loại trừ. Trong trường hợp, phần dôi tiết kiệm so với đầu tư sẽ tương đương với phần gia tăng
ngoài dự định về số hàng hoá chưa bán được, nghĩa là phần tăng lên về số vốn dễ chuyển hoán, ông Hawtrey đã
không thuyết phục được tôi rằng đây là một trong những biến động không được dự kiến lúc ban đầu so với những
biến động đã được đoán định trước, dù đúng hay sai. ông Hawtrey coi những quyết định hàng ngày của những
nghiệp chủ về mặt số lượng sản phẩm của ngày trước đó tuỳ theo những biến động về số lượng hàng hoá còn chưa
bán được. Chắc chắn, điều này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của họ đối với trường hợp hàng hoá
tiêu dùng. Nhưng tôi thấy không có lý do nào để loại bỏ vai trò của các yếu tố khác trong quyết định của họ, và vì