Chương 9
KHUYNH HƯỚNG TIÊU DÙNG
II. NHỮNG NHÂN TỐ CHỦ QUAN
I
Vẫn còn một loại nhân tố thứ hai tác động tới mức tiêu dùng tương ứng từ một mức thu nhập nhất định đó là
những động cơ chủ quan và xã hội quyết định cần phải tiêu dùng bao nhiêu khi biết mức thu nhập tổng hợp tính
bằng đơn vị tiền lương và những nhân tố khách quan có liên quan mà chúng ta đã trình bày rồi. Tuy nhiên, vì việc
phân tích những nhân tố này không đem lại một sự mới mẻ nào, cho nên chúng ta chỉ liệt kê những nhân tố quan
trọng hơn, chứ không nói nhiều về chúng một cách dài dòng.
Nói chung có tám động cơ hay mục tiêu chính mang tính chủ quan đã đưa cá nhân đến chỗ phải tự kiềm chế
chi tiêu lấy từ thu nhập của mình:
(i)
Lập một khoản dự trữ dành cho những chi tiêu bất ngờ;
(ii) Dự phòng để đáp ứng cho các nhu cầu chi tiêu tương lai vì mối quan hệ giữa thu nhập và các nhu cầu của cá
nhân và gia đình không còn giống như hiện tại nữa, ví dụ như dự phòng cho khi tuổi già, tiền học phí cho
con cái trong gia đình, nuôi các con cái còn chưa đến tuổi tự lập;
(iii) Thu thêm lợi tức và mức gia tăng giá trị tiền vốn để đảm bảo có một sự tiêu dùng thực sự cao hơn về sau này
so với mức tiêu dùng trước mắt còn hạn chế hơn;
(iv) Tăng dần mức chi tiêu vì khuynh hướng chung của mọi người thường là hướng về một đời sống luôn luôn
được cải thiện chứ không phải ngược lại, mặc dù khả năng hưởng thụ có thể bị suy giảm;
(v) Tạo cho bản thân một ý thức độc lập và có khả năng làm những điều mình muốn dù chưa có một ý kiến rõ
ràng hoặc một ý định nào đó về một hành động cụ thể;
(vi) Tạo cho bản thân một cách làm ăn và hoạt động để thực thi các dự án kinh doanh hoặc đầu cơ;
(vii) Làm giàu và để lại một gia tài cho con cháu;
(viii)Thoả mãn tính hà tiện, vô lý nhưng dai dẳng nhằm đề phòng những khoản chi thực sự.
Tám động cơ trên có thể gọi là động cơ Dự phòng. Nhìn ra thấy trước, Tính toán chi li, Cải thiện mức sống,
Tự lập, Kinh doanh, Kiêu hãnh và Hà tiện. Chúng ta cũng có thể lập một bản liệt kê các động cơ thích ứng với tiêu
dùng như Hưởng thụ, Thiển cận, Hào phóng, Thiếu suy tính, Phô trương và Ngông cuồng.
Ngoài phần tiết kiệm, do các cá nhân tự tích luỹ được, còn có một số lớn thu nhập có thể chiếm từ 1/3 đến 2/3
tổng số tiền tích luỹ trong một cộng đồng công nghiệp hiện đại như Anh hoặc Mỹ do các cơ quan chính quyền
trung ương và địa phương, các định chế và các công ty kinh doanh nắm giữ, với những động cơ tương tự nhưng
không hoàn toàn giống như các động cơ cá nhân nói trên. Có thể chia các loại động cơ này thành 4 loại sau đây:
(i) Động cơ kinh doanh - nhằm dành những nguồn lực để tiến hành đầu tư tư bản mạnh hơn nữa mà không bị mắc
nợ hoặc không cần phải thu góp thêm tiền vốn trên thị trường.
(ii) Động cơ chuyển hoán - nhằm dành những nguồn lực dễ chuyển hoán để dễ bề đối phó với những tình trạng
khẩn cấp, những khó khăn và các cuộc suy thoái.
(iii)Động cơ cải - tiến nhằm đảm bảo tiền thu nhập dần dần tăng lên để tránh cho ban quản trị công ty khỏi những
sự chỉ trích, phê phán vì việc tăng thu nhập do tích luỹ ít khi phân biệt được với tăng thu nhập do hiệu suất.
(iv) Động cơ thận trọng về tài chính và mong muốn làm ăn tốt bằng cách lập một khoản dự trữ tài chính vượt quá
chi phí sử dụng và chi phí bổ sung để trang trải các món nợ và khấu trừ chi phí tài sản nhanh hơn chứ không
phải chậm hơn nhịp độ hao mòn và lỗi thời thực sự; tầm quan trọng của động cơ này tuỳ thuộc chủ yếu vào số
lượng và tính chất của trang thiết bị sản xuất và nhịp độ đổi mới kỹ thuật.