tôi đã dự tính. Nếu những năm riêng lẻ được tính tách bạch ra, những kết quả thu được sẽ không được chính xác
lắm. Nhưng nếu tính từ 2 năm một, số nhân hình như nhỏ hơn 3 và chắc là khá ổn định trên dưới 2,5. Điều này cho
thấy khuynh hướng tiêu dùng biên không cao quá 60-70%- một con số khá hợp lý trong thời kỳ phồn vinh, nhưng
lại thấp một cách đáng ngạc nhiên, và, theo tôi, quá thấp trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Song, có lẽ chủ nghĩa bảo
thủ cực đoan trong chính sách tài chính ở Mỹ, ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, có thể giải thích được hiện
tượng này. Nói một cách khác, khi đầu tư giảm sút nặng nề do không có nhu cầu sửa chữa và thay thế, nếu đã có
dự trữ tài chính để đối phó với hao hụt, thì phải ngăn chặn sự gia tăng khuynh hướng tiêu dùng biên mà có thể xảy
ra trong trường hợp khác. Tôi nghi ngờ là nhân tố này có thể đã đóng một vai trò quan trọng làm trầm trọng thêm
cuộc suy thoái gần đây ở Mỹ. Mặt khác, có thể là các con số thống kê trong một chừng mực nào đó đã phóng đại
sự giảm sút về đầu tư mà, như người ta khẳng định đã giảm đi hơn 75% năm 1932 so với năm 1929, trong khi đó
việc tạo vốn ròng giảm đi 95%, một biến động phải chăng trong những con số ước lượng này có thể rất có ý nghĩa
đối với số nhân.
VI
Khi có thất nghiệp bắt buộc, thì độ phi thoả dụng biên của lao động nhất thiết phải nhỏ hơn độ thoả dụng của
sản phẩm biên. Quả thực, nó có thể nhỏ hơn nhiều. Đối với một người từ lâu không có công ăn việc làm, thì một
công việc nào đó có thể có độ thoả dụng tích cực, chứ không phải gây nên sự phi thoả dụng. Tuy nhiên nếu điều
này được chấp nhận, lập luận trên đây cho ta thấy sự chi tiêu “lãng phí”
trên sự vay mượn có thể làm giàu như
thế nào cho cộng đồng nói chung. Công trình xây dựng kim tự Tháp, những trận động đất và cả chiến tranh cũng
có thể góp phần tăng thêm của cải nếu như trình độ học vấn của các nhà chính khách của chúng ta về các nguyên
lý kinh tế học cổ điển cản trở những việc làm tốt đẹp hơn.
Thật là lạ, trong khi đấu tranh để tránh những kết luận vô lý, lẽ phải đã lựa chọn những hình thức chi tiêu
khoản vay mượn hoàn toàn “lãng phí” chứ không những hình thức lãng phí một phần mà thôi. Những hình thức
phần nào lãng phí này có nguy cơ bị phán xét trên cơ sở các nguyên tắc “kinh doanh” nghiêm ngặt, vì chúng
không phải là hoàn toàn lãng phí. Ví dụ, trợ cấp thất nghiệp được cung cấp bằng các số tiền vay mượn được dễ
dàng chấp nhận hơn là tài trợ cho các công việc cải tiến kinh tế với số tiền phải trả dưới mức lãi suất hiện tại;
trong khi công việc đào mỏ vàng, không những không thêm gì vào của cải thực sự của thế giới mà còn gây ra tình
trạng lao động vô ích, nhưng nó là một biện pháp dễ được chấp nhận hơn hết.
Nếu Bộ Tài chính Anh phải nhét đầy những chai cũ bằng những giấy bạc ngân hàng, và đem chôn dưới
những độ sâu thích hợp tại những mỏ than đã bị bỏ hoang mà sau đó bị lấp tới mặt đất bằng rác rưởi của thành
phố, và về sau cho phép các xí nghiệp tư nhân đào lên theo những nguyên tắc đã được thử thách là để mặc tư nhân
kinh doanh (dĩ nhiên, quyền được đào mỏ giấy bạc này phải được đảm bảo bằng những hợp đồng thuê đất, thì sẽ
không còn nạn thất nghiệp nữa, và qua tác dụng của việc làm đó, thu nhập thực tế của cộng đồng và của cải do vốn
đem lại của cộng đồng chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì hiện đang có. Thật vậy, xây dựng nhà ở và
những thứ tương tự là một điều tốt đẹp hợp với lòng người, nhưng nếu còn những khó khăn về mặt chính trị và
thực tế cản trở những việc làm như vậy thì điều nói trên đây vẫn tốt hơn là chẳng có gì cả.
Có một sự tương đồng tuyệt vời giữa cách làm này và các mỏ vàng trên thế giới. Trong những thời kỳ mà
vàng có thể khai thác được ở những độ sâu thích hợp, kinh nghiệm cho thấy của cải thực tế trên thế giới tăng lên
nhanh chóng và khi người ta chỉ khai thác được một ít vàng thì sự giàu có của thế giới trở nên giảm sút. Do đó,
các mỏ vàng có tầm quan trọng và giá trị to lớn nhất đối với nền văn minh. Cũng giống như chiến tranh là hình
thức chi tiêu duy nhất dựa trên khoản vay mượn quy mô lớn mà các nhà chính khách cho là có thể biện minh
được, việc khai thác mỏ vàng là cái cớ duy nhất để tiến hành đào những hố sâu dưới đất mà các chủ ngân hàng đã
được yêu cầu phải đề cao như là một việc kinh doanh tài chính tốt, và mỗi một hoạt động này đều có vai trò của
mình trong sự tiến bộ - nếu không tìm ra được một biện pháp nào tốt hơn. Nhân đây cũng nêu lên một chi tiết, đó
là trong thời kỳ suy thoái có xu hướng tăng giá vàng so với công lao động và các hàng hoá, điều này tất yếu sẽ