các ngành công nghiệp chế tạo tư liệu sản xuất có hiệu lực từ từ, tuỳ thuộc sự chậm trễ về thời gian và chỉ sau một
khoảng thời gian nhất định.
Có thể làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hai mặt của vấn đề này bằng cách nêu lên nhận định sau đây: Trước hết,
việc mở rộng không có dự kiến trước hoặc dự kiến không hoàn hảo đối với ngành chế tạo tư liệu sản xuất không
có ảnh hưởng tức thời có cùng tầm quan trọng đối với tổng số đầu tư, mà chỉ làm cho tổng số đầu tư tăng lên từ từ,
và thứ đến là việc mở rộng đó có thể khiến cho khuynh hướng tiêu dùng biên tạm thời sai lệch so với giá trị thông
thường của nó, nhưng, dù sao, cũng dần dần quay trở lại mức bình thường.
Như vậy, việc mở rộng các ngành chế tạo tư liệu sản xuất gây nên một loạt gia lượng về tổng số đầu tư xảy ra
qua những thời kỳ kế tiếp nhau trong một khoảng thời gian, và đưa thêm một loạt trị số của khuynh hướng tiêu
dùng biên trong những thời kỳ kế tiếp nhau đó, các trị số này vừa khác với trị số đáng lẽ sẽ có nếu việc mở rộng đã
được dự kiến trước, vừa khác với các trị số sẽ có khi cộng đồng đã đạt đến một mức đầu tư tổng hợp mới vững
chắc. Nhưng trong mỗi khoảng thời gian, lý thuyết về số nhân vẫn đúng theo nghĩa là lượng tăng thêm nhu cầu
tổng hợp bằng tích của lượng tăng thêm đầu tư tổng hợp và số nhân như đã được khuynh hướng tiêu dùng biên xác
định.
Có thể giải thích hai loại sự việc này một cách rõ ràng nhất khi chúng ta xét trường hợp cực đoan trong đó sự
tạo thêm công việc được dự kiến trước cho nên trong giai đoạn đầu không có sự tăng thêm nào cả về sản lượng
hàng tiêu dùng. Trong trường hợp này những cố gắng của những người mới được thu dụng vào các ngành chế tạo
tư liệu sản xuất nhằm tiêu dùng một phần của thu nhập tăng thêm của họ sẽ nâng giá hàng tiêu dùng cho tới khi có
sự cân bằng tạm thời giữa cung và cầu - sự cân bằng tạm thời này một phần là do giá tăng khiến cho tiêu dùng bị
đình hoãn lại, một phần bởi sự phân phối lại thu nhập có lợi cho các tầng lớp có tiền để dành do có lợi nhuận tăng
thêm vì giá cả tăng lên, và một phần do giá cả tăng lên làm cạn số hàng trong kho. Khi nào khôi phục hai sự cân
bằng nhờ có sự trì hoãn và tiêu dùng, thì khuynh hướng tiêu dùng biên sẽ tạm thời giảm bớt, có nghĩa là chính số
nhân sẽ giảm. Chừng nào hết số hàng trong kho, thì tổng đầu tư tăng trong một thời gian với mức độ kém hơn so
với sự tăng thêm đầu tư vào các ngành chế tạo tư liệu sản xuất, nghĩa là đại lượng cần tăng lại không tăng bằng
toàn bộ lượng tăng thêm đầu tư trong các ngành chế tạo tư liệu sản xuất. Tuy nhiên cùng với thời gian, các ngành
sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh để thích ứng với yêu cầu mới, cho nên khi sự tiêu dùng bị trì hoãn được
khôi phục, khuynh hướng tiêu dùng biên tạm thời tăng cao hơn mức bình thường để bù vào mức tiêu dùng bị giảm
sút trước đó và cuối cùng sẽ trở lại mức bình thường như ban đầu. Mặt khác, việc khôi phục của hàng dự trữ trong
kho trở lại mức trước đó khiến cho lượng tăng thêm về tổng đầu tư tạm thời cao hơn lượng gia tăng đầu tư vào các
ngành chế tạo tư liệu sản xuất (vốn luân chuyển được tăng thêm cho phù hợp với sản lượng tăng thêm cũng tạm
thời bị ảnh hưởng tương tự).
Một biến động không thể dự kiến trước mà chỉ gây nên một ảnh hưởng toàn diện đối với số việc làm trong
một khoảng thời gian chỉ quan trọng trong một số hoàn cảnh nào đó mà thôi; đặc biệt biến động này giữ một vai
trò trong việc phân tích chu kỳ kinh tế (theo đường hướng như tôi đã trình bày trong Luận trình về tiền tệ của
mình). Nhưng nó chẳng ảnh hưởng gì đến ý nghĩa của lý thuyết về số nhân như đã được bàn đến trong chương
này, nó cũng chẳng làm cho số nhân này không còn khả năng áp dụng được như một “chỉ số” về tổng số lợi ích
cho việc làm có thể có khi mở rộng các ngành chế tạo tư liệu sản xuất. Hơn nữa, trừ các ngành công nghiệp sản
xuất hàng tiêu dùng đang hoạt động hầu như hết công suất khiến cho sản lượng tăng thêm máy móc, trang bị, chứ
không chỉ tăng cường sử dụng máy móc hiện có, không có lý do để giả định rằng một khoảng thời ngắn cần phải
có trước khi số việc làm trong các ngành sản xuất hàng tiêu dùng tăng cùng một nhịp độ với số việc làm trong các
ngành chế tạo tư liệu sản xuất với số nhân có giá trị gần con số bình thường của nó.
V
Trên đây, chúng ta đã thấy rằng khuynh hướng tiêu dùng biên càng lớn, thì số nhân càng lớn, và cũng vì thế
biến động về việc làm cũng nhiều hơn ứng với một biến động nhất định về đầu tư. Điều này hình như dẫn tới một
kết luận nghịch lý là một cộng đồng nghèo nàn với một tỷ lệ tiết kiệm nhỏ nhoi so với thu nhập sẽ chịu những biến