LÝ THUYẾT TỔNG QUÁT VỀ VIỆC LÀM, LÃI SUẤT VÀ TIỀN TỆ - Trang 135

Từ điều trên đây suy ra và thấy rằng nếu khuynh hướng tiêu dùng biên gần bằng một, thì những biến động

nhỏ về đầu tư sẽ dẫn đến những biến động lớn hơn về công việc làm; nhưng đồng thời một lượng tăng thêm đầu tư
tương đối nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng có việc làm đầy đủ. Mặt khác, nếu khuynh hướng tiêu dùng biên không lớn
hơn số không (zero) bao nhiêu thì những biến động nhỏ về đầu tư sẽ dẫn tới những biến động nhỏ tương ứng về
việc làm; nhưng đồng thời, việc này có thể đòi hỏi một gia lượng lớn về đầu tư để tạo ra tình trạng có việc làm đầy
đủ. Trong trường hợp đầu, thất nghiệp bắt buộc sẽ là một căn bệnh dễ chữa, nhưng nó có thể nhanh chóng trở
thành nghiêm trọng nếu người ta để mặc nó phát triển. Trong trường hợp sau, công việc làm có thể ít biến đổi hơn,
nhưng có khả năng đứng ở mức thấp và còn tỏ ra khó chữa trị nổi nếu không sử dụng những biện pháp cứng rắn
nhất. Trên thực tế, khuynh hướng tiêu dùng biên hình như nằm trên một điểm nào đó giữa hai thái cực này. Nhưng
nó gần với 1 hơn là với 0. Kết quả là chúng ta phải chịu những điều tệ hại nhất trong cả hai trường hợp cực đoan
này: những biến động về việc làm là đáng kể, và đồng thời lượng tăng thêm vốn đầu tư cần thiết để đảm bảo đầy
đủ công việc làm là quá lớn nên không dễ gì kham nổi. Chẳng may là những biến động đã không cho ta hiểu được
bản chất của căn bênh, còn sự trầm trọng của căn bệnh đã đến mức không còn khả năng chữa trị, trừ khi bản chất
của căn bệnh được hiểu rõ.

Khi có việc làm đầy đủ, thì bất kỳ cố gắng nào nhằm tăng nữa đầu tư sẽ làm cho giá danh nghĩa tăng lên vô

hạn độ, bất kể khuynh hướng tiêu dùng biên như thế nào, nghĩa là chúng ta sẽ tiến đến tình trạng lạm phát thực
sự

(4)

. Tuy nhiên, cho đến điểm này, giá cả tăng lên sẽ liên quan đến việc tăng tổng thu nhập thực tế.

III

Cho tới nay chúng ta mới chỉ đề cập đến trường hợp gia lượng ròng của đầu tư. Tuy nhiên, nếu chúng ta

muốn áp dụng một cách không hạn chế những điều trên đây đối với tác dụng của việc tăng thêm các công trình
công cộng chẳng hạn, thì chúng ta phải giả định rằng không có sự bù trừ nào thông qua việc giảm đầu tư trong các
lĩnh vực khác, và, tất nhiên, cũng không có biến động tương ứng nào về khuynh hướng tiêu dùng của cộng đồng.
Ông Kahn, trong bài viết nói trên, chủ yếu quan tâm đến việc xem xét những khoản bù trừ nào có thể là quan
trọng, mà chúng ta cần phải tính đến và đến việc gợi ra một số định lượng. Vì trên thực tế sẽ tồn tại một vài nhân
tố liên quan đến một lượng tăng cụ thể về đầu tư ở một dạng xác định nào đó. Các nhân tố này sẽ đóng góp vào
kết cục cuối cùng. Chẳng hạn nếu nhà nước thuê thêm 100.000 cho các công trình công cộng và nếu số nhân (theo
cách định nghĩa như trên) là 4, thì có thể sai nếu cho rằng tổng số công ăn việc làm sẽ tăng lên 400.000. Bởi vì
chính sách mới có thể có tác động bất lợi đối với đầu tư theo những hướng khác.

Dường như theo Kahn thì những điều dưới đây trong một cộng đồng hiện đại sẽ có khả năng là những nhân

tố quan trọng nhất, không nên xem nhẹ (tuy nhiên, hai nhân tố đầu phải đợi đến quyển IV mới có thể hiểu được):

1) Phương pháp bài trợ cho chính sách và số tiền mặt luân chuyển tăng lên do số việc làm tăng lên và do giá cả

tăng lên theo có thể gây ảnh hưởng làm tăng lãi suất, và do đó làm chậm trễ việc đầu tư trong các lĩnh vực khác,
trừ khi giới tiền tệ áp dụng những biện pháp ngược lại. Đồng thời, chi phí mua tự liệu sản xuất tăng lên sẽ giảm
bớt hiệu suất biên của chúng đối với nhà đầu tư tư nhân; và điều này đòi hỏi phải thực sự giảm lãi suất để bù
đắp lại ảnh hưởng đó.

2) Vì có tâm lý khá hồ đồ trong công chúng, nên chương trình của chính phủ có thể, nhờ tác động đến “niềm tin”

làm tăng ưu tiên chuyển hoán hoặc giảm bớt hiệu suất biên của vốn. Sự việc này có thể làm chậm trễ các khoản
đầu tư khác trừ khi có những biện pháp để bù đắp lại.

3) Trong một hệ thống mở có những mối quan hệ ngoại thương, một phần nào đó của số nhân của khoản đầu tư

tăng thêm sẽ làm lợi cho nước ngoài về phương diện tăng số công việc làm cho nước đó vì một phần tiêu dùng
tăng thêm sẽ làm giảm cán cân ngoại thương thuận lợi của chính nước ta. Vì thế, nếu chúng ta chỉ xét ảnh
hưởng đến việc làm trong nước và tách biệt với thế giới bên ngoài, chúng ta phải giảm trị số của số nhân. Mặt
khác, quốc gia của chúng ta có thể dành lại một phần của sự thất thoát này thông qua những tác động phản hồi
thuận lợi của số nhân tại nước ngoài khi hoạt động kinh tế của nước đó được đẩy mạnh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.