Hơn nữa, nếu chúng ta xét những biến động lớn, chúng ta phải tính đến sự thay đổi dần dần trong khuynh
hướng tiêu dùng biên, vì vị trí của số dư cũng chuyển dịch dần dần, và do đó có sự thay đổi trong số nhân. Khuynh
hướng tiêu dùng biên không cố định đối với mọi mức của số việc làm, và chắc hẳn thông thường là khuynh hướng
tiêu dùng biên sẽ giảm khi số việc làm tăng. Khi thu nhập thực tế tăng, điều này có nghĩa là cộng đồng sẽ muốn
tiêu dùng một phần thu nhập ít hơn dần dần.
Cũng có những nhân tố khác đứng ngoài và mạnh hơn sự vận động của quy luật tổng quát vừa nói đến. Quy
luật này có thể vận động có thể làm thay đổi khuynh hướng tiêu dùng biên, và do đó làm thay đổi số nhân. Thông
thường những nhân tố này hình như có tác dụng nhấn mạnh xu hướng của quy luật tổng quát chứ không là bù trừ
cho nó. Vì, trước tiên, do tác động của lợi tức giảm dần trong ngắn hạn, việc tăng số công việc làm sẽ có xu hướng
làm tăng tỷ lệ tổng thu nhập của các nhà kinh doanh, và khuynh hướng tiêu dùng biên của những người này chắc
hẳn sẽ ít hơn khuynh hướng tiêu dùng bình quân của cộng đồng nói chung. Thứ đến là tình trạng thất nghiệp có
thể liên quan đến tiết kiệm âm ở một vài khu vực công hoặc tư, vì người thất nghiệp có thể sống bằng tiền tiết
kiệm của chính họ và do bạn bè giúp đỡ hoặc sống bằng trợ cấp của chính phủ và một phần lấy từ khoản tiền vay.
Khi có việc làm trở lại, việc tiết kiệm âm sẽ được giảm dần và do đó khiến cho khuynh hướng tiêu dùng giảm
nhanh hơn so với khi có một lượng tăng ngang bằng về thu nhập thực tế của cộng đồng được tích luỹ trong những
hoàn cảnh khác nhau.
Dù sao, số nhân có thể lớn hơn đối với một gia lượng ròng nhỏ về đầu tư khi so với một gia lượng lớn về đầu
tư. Do đó khi xét những biến động khá lớn, chúng ta phải căn cứ vào giá trị trung bình của số nhân dựa trên
khuynh hướng tiêu dùng biên trung bình trong phạm vi đang xét.
Ông Kahn đã nghiên cứu kết quả định lượng có thể có của các nhân tố như thế này trong một vài trường hợp
đặc biệt có tính giả thiết. Nhưng rõ ràng là không có thể tiến hành quá rộng bất kỳ sự khái quát nào. Chẳng hạn
người ta chỉ có thể nói rằng một cộng đồng tân tiến điển hình chắc là có xu hướng tiêu dùng không ít hơn 80%
phần tăng thêm về thu nhập thực tế của họ, nếu đó là một hệ thống khép kín trong đó phần tiên dùng của những
người thất nghiệp được trích từ phần tiêu dùng của những người tiêu thụ khác, do đó, số nhân sau khi đã tính đến
những sự bù trừ sẽ không nhỏ hơn 5 là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong một nước mà ngoại thương chiếm khoảng 20%
mức chi dùng và những người thất nghiệp nhận từ số tiền vay mượn đến 50% mức tiêu dùng bình thường của họ
khi còn làm việc, thì số nhân có thể tụt xuống tới 2 hoặc 3 lần số việc làm do một khoản đầu tư mới tạo nên. Như
vậy, trong một nước mà ngành ngoại thương đóng một vai trò quan trọng và ở nước đó trợ cấp thất nghiệp được tài
trợ phần lớn bằng số tiền vay mượn (ví dụ như trường hợp nước Anh năm 1931) thì một biến động nhất định về
đầu tư sẽ kéo theo biến động dễ khống chế hơn rất nhiều trong số công ăn việc làm so với một nước mà những
nhân tố này kém phần quan trọng (như ở Mỹ năm 1932)
.
Tuy nhiên, chính là theo nguyên tắc tổng quát của số nhân mà chúng ta phải tìm kiếm một sự giải thích là
những biến động về số đầu tư mà chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong thu nhập quốc dân, làm sao lại có thể gây
nên những biến động trong tổng số việc làm và thu nhập với biên độ lớn hơn nhiều so với những biến động về đầu
tư.
IV
Cuộc bàn luận cho tới nay được tiến hành trên cơ sở biến động về đầu tư tổng hợp, điều này đã được thấy
trước một thời gian khá lâu để cho các ngành công nghiệp sản xuất cho tiêu dùng tiến triển cùng nhịp bước với các
ngành công nghiệp chế tạo tư liệu sản xuất khiến cho giá cả vật phẩm tiêu dùng không bị xáo trộn quá nhiều do
hậu quả tất yếu của việc tăng sản lượng trong điều kiện lợi tức giảm sút.
Tuy nhiên nói chung chúng ta cần phải lưu ý tới trường hợp khi thế chủ động là sự gia tăng sản lượng trong
các ngành chế tạo tư liệu sản xuất mà chúng ta không có đầy đủ các dự kiện. Hiển nhiên là một thế chủ động như
vậy chỉ phát huy tác dụng đầy đủ đối với số công việc làm trong một thời gian. Tuy vậy tôi đã thấy trong cuộc bàn
luận rằng sự việc hiển nhiên này thường gây nên sự lẫn lộn giữa lý thuyết logic về số nhân (mà luôn luôn được
chứng minh là đúng vào bất kỳ lúc nào mà không có sự chậm trễ về thời gian) và những hậu quả của việc mở rộng